menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo Pro

Giãn cách lần 2 - Nếu điều đó xảy ra...?

Có lẽ chúng ta đang tiến rất gần đến việc phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ Tướng Chính Phủ, một lần nữa. Mặc dù chắc chắn rằng không ai muốn nhưng nếu điều này buộc phải xảy ra thì tôi thấy có mấy vấn đề sau:

1. Rút kinh nghiệm lần trước, việc giãn cách lần này nếu buộc phải thực hiện thì cần làm càng sớm càng tốt, mạnh tay và dứt khoát hơn. Nói như vậy không phải là phủ nhận thành công của quyết sách giãn cách xã hội để chống dịch lần 1 hay cho rằng tồn tại những khuyết điểm. Mà điều này nhằm tạo ra hiệu quả tối đa của việc giãn cách xã hội để chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm cộng đồng và hạn chế tác động tiêu cực ít nhất lên nền kinh tế.

2. Cộng đồng đã được chuẩn bị khá tốt về tâm lý, sự hiểu biết, kỹ năng và “trải nghiệm” của cuộc sống giãn cách với các vấn đề đi kèm nên truyền thông và các giải pháp mũi nhọn nên tập trung kêu gọi tinh thần tự giác, ý thức xã hội trong phòng chống dịch bệnh. Đây là nền tảng lâu dài để tiến tới “sống chung với Covid” và các dịch bệnh khác nếu có trong tương lai. Không nên lãng phí nguồn lực lại gây phiền nhiễu bằng những câu nhạc chờ “thiết lập trạng thái bình thường mới...”.

3. Nếu đã xảy ra đợt 2, thì sẽ có đợt 3, 4… cho đến cuối năm 2021 khi mà vaccine (hy vọng) được phổ biến và tiến hành chủng ngừa rộng rãi. Vì vậy, công tác an ninh xuất nhập cảnh tại các đường biên, lối mở, đường mòn biên giới từ bây giờ cho đến lúc đó cần được chấn chỉnh và thắt chặt hơn.

Thực sự là đã có việc lơ là, buông lỏng và thậm chí là có sự tiếp tay cho người Trung Quốc đi lậu, trốn cách ly nhập cảnh vào Việt Nam. Tại sao lại tồn tại hiện tượng quảng cáo công khai các dịch vụ trốn cách ly để vào Việt Nam trong một thời gian dài mà cơ quan chức năng ngó lơ? Và tại sao khi Thủ tướng yêu cầu ngày hôm trước bắt thì ngay ngày hôm sau là bắt được liền chục đối tượng cầm đầu?

4. Kinh tế sẽ không thể chịu đựng thêm một cú sốc giãn cách lần 2. Hy sinh kinh tế để chống dịch nhưng sự hy sinh đó đương nhiên là hữu hạn. Chính vì vậy, hậu quả về kinh tế là cực kỳ nặng nề. Tựa như một người vừa trải qua cơn trọng bệnh, đang gượng dậy thì bị đợt tái nhiễm hạ gục. Những hệ luỵ đương nhiên không chỉ là suy thoái kinh tế hay tăng trưởng âm. Điều đáng nói, tệ hơn, là khả năng hồi phục sau dịch sẽ vô cùng khó khăn vì các động lực kinh tế quan trọng sẽ có khả năng bị triệt tiêu. Sẽ mất rất lâu để nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.

Hơn 6% GDP của năm nay, xấp xỉ 20 tỷ đôla sẽ bị thổi bay, cộng với những khoảng ngân sách khổng lồ phải chi trả cho việc chống dịch sẽ tạo ra một áp lực cực lớn lên tài khoá và các cân đối vĩ mô khác. Bài toán lúc đó không còn là ngồi tính ra các kịch bản tăng trưởng cơ sở, tốt, xấu mà làm sao để không xảy ra đổ vỡ và giữ an toàn cho hệ thống.

5. Gần 3 triệu lao động đã bị mất việc làm và hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng thời gian qua họ đang làm gì và sẽ làm gì khi sắp tới con số này càng tăng lên và tình hình kinh tế càng xấu đi, thổi bay niềm hy vọng ít ỏi còn lại về triển vọng được quay trở lại làm việc. Nhiều vụ cướp đã xảy ra liên quan đến hậu quả của Covid, đỉnh điểm là lần đầu tiên một giám đốc doanh nghiệp đi cướp nhà băng cũng vì hậu quả Covid là những chuyện mà chúng ta cần nghĩ nghiêm túc và có giải pháp cụ thể chứ không chỉ trông chờ vào "trạng thái bình thường mới".

Một con số để tham khảo để thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, ở Mỹ là 10 năm, theo nghiên cứu của CBO, để nước Mỹ quay lại tỷ lệ thất nghiệp như trước khi Covid xảy ra!

6. Và nếu tình hình càng tệ hơn nữa khi Châu Âu bùng dịch đợt 2 như sự quan ngại mà Thủ tướng Anh và Đức đã bày tỏ vừa rồi, dự kiến thời điểm là khoảng giữa mùa đông vào tháng 11-12. Mỹ thì xem như đã thất thủ toàn tập. Khủng hoảng lương thực xảy ra và Trung Quốc rơi nào nạn đói. Bằng chứng là mới đây Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã có động thái chuẩn bị lương thực bằng việc mở rộng diện tích trồng lúa nước thay thế cho các vườn cây ăn trái và vườn ươm cây giống lâm nghiệp, để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra.

Tất cả những điều này khả năng sẽ đẩy các nền kinh tế rơi vào trạng thái cũng giống như “giãn cách xã hội” giữa các quốc gia với nhau trên quy mô toàn cầu, hay nói cách khác là trạng thái nền kinh tế kiểu thời chiến, tự cung tự cấp. Khi đó các vấn đề của một nền “kinh tế thời chiến” gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh tiền tệ cần phải được tính toán ngay từ bây giờ.

Đương nhiên là chúng ta không bao giờ muốn những điều này sẽ xảy nhưng thiết nghĩ “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, các nhà làm chính sách cũng cần tính trước cho những kịch bản này. Vì, ai biết được, trong một thế giới đầy bất định như hiện nay thì điều gì cũng có thể xảy ra.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

5 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại