24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tô Đông Pha
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 11/11, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, thông tin truyền thông, y tế. Trong đó, đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời chất vấn, làm rõ giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng, bình ổn thị trường vàng, thành lập sàn giao dịch vàng…

Giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. (Ảnh: Quốc hội)

Giá vàng tăng giảm chưa ổn định

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, thời gian vừa qua, có ý kiến cho rằng, do có nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn đối với vấn đề này trong thời gian tới.

Với câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương về trách nhiệm quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành có cơ quan chủ trì thống nhất quản lý và có các Bộ, ngành khác tích cực tham gia. Các nhiệm vụ này đã được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành không trùng lặp nhau về trách nhiệm, thẩm quyền.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thị trường vàng, các Bộ, các ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ. Trong thời gian qua, NHNN đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an. Trước khi NHNN tổ chức can thiệp vàng, ngân hàng đã họp, mời đại diện của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai để tránh các hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình can thiệp.

NHNN cũng thực hiện vai trò chủ trì, đầu mối để phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan hữu quan để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, từ đó kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định để khắc phục những hạn chế, khó khăn, quản lý chặt chẽ thị trường này.

Trả lời đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk về bình ổn giá vàng và thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng diễn biến tăng cao.

Giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng
Phiên chất vấn sáng 11/11. (Ảnh: Quốc hội)

Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo quyết liệt, trên cơ sở pháp luật hiện hành, NHNN đã tổ chức đấu thầu. Trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, NHNN đã cân nhắc qua 9 phiên đấu thầu (đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013).

Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN đã chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15 – 18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3 – 4 triệu đồng/lượng.

Như vậy, NHNN đã can thiệp, ổn định thị trường vàng với mục tiêu là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, phòng tránh các hiện tượng nhập lậu vàng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, hiện nay, giá vàng vẫn tăng giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.

Về giải pháp căn cơ, NHNN phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Về lâu dài, quan điểm chung của NHNN là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về thành lập sàn giao dịch vàng

Tham gia chất vấn, đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nước thị trường phát triển cho phép thành lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng và mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết quan điểm về vấn đề này.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, một số nước trên thế giới có thành lập sàn vàng. Việc thành lập sàn vàng cũng có mặt tích cực là các giao dịch sẽ minh bạch; nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thành lập sàn vàng cũng cần đầu tư về cơ sở hạ tầng; hơn nữa Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng. Như vậy, để thành lập sàn vàng, đòi hỏi NHNN phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam...

Giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng
Giá vàng hiện tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. (Ảnh minh họa)

Chỉ rõ giá vàng tiếp tục diễn biễn phức tạp, khó lường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.

Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về vấn đề ngân hàng chỉ bán vàng miếng mà không mua vào, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường vì NHNN không sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh nhu cầu gia tăng, NHNN cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại. Còn đối với các Ngân hàng thương mại Nhà nước, khi bán vàng trong giai đoạn này, NHNN chủ yếu thực hiện giải pháp để tăng cung vàng. Đối với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng, hiện nay đã có 22 TCTD và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng.

Về lý do vì sao chỉ bán ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc ở địa điểm nào. Bản thân các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá nhu cầu của các tỉnh thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng. Do đó, thực tế nhu cầu chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, còn các tỉnh thành khác không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị NHNN tháo gỡ khó khăn trong chứng minh nguồn gốc của vàng; giải pháp ổn định thị trường ngoại hối…

Linh Đan

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2712.55 +42.89 (+1.61%)
PTKT
2,715.85 +46.75 (+1.75%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả