menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Nam

Giấc mơ xe điện Trung hoa: Chạy đua tìm “Dầu trắng” (Phần III)

Cảng công nghiệp Kwinana ở bờ biển phía Tây nước Úc là một chấm bé tí trên bản đồ năng lượng thế giới. Từ năm 1955 nơi đây là các nhà máy lọc dầu của hãng BP (British Petrolium), lúc đó còn có tên là công ty dầu khí Anglo-Persian, đã từng cung cấp 70% nhiên liệu cho vùng Tây Úc. Nhưng giờ thì nhà máy lọc dầu đã đóng cửa tháng 3/2021. Những thùng lớn đã từng chứa dầu in dấu trên nền trời, dần dần biến thành đồng nát trong bầu không k

Nhưng dưới lớp đất đỏ, không chỉ có dầu. Úc có 50% trữ lượng lithium của thế giới. Máy móc lại gầm rú. Nhưng bây giờ chúng là một phần trong cuộc đua bảo đảm nguồn năng lượng sạch – cuộc đua đang bị TQ áp đảo.

Trong 30 năm qua, lithium trở thành một nguồn lực quí giá. Nó là thành phần không thể thiếu được của pin, trong điện thoại hay laptop mà bạn đang dùng để đọc bài báo này, và cho các xe điện, chẳng bao lâu nữa sẽ đầy trên đường. Nhưng cho đến gần đây, lithium đào được từ các mỏ của Úc vẫn phải xử lý ở chỗ khác. Trong lĩnh vực xử lý lithium, TQ có vị trí đặc biệt. Quốc gia này ngấu nghiến 40% của 93000 tấn lithium thô được khai thác trong năm 2021. Hàng ngàn nhà máy khổng lồ trên khắp đất nước, đang hàng ngày vắt ra hàng triệu bộ pin cho xe điện, phục vụ cả thị trường trong nước, và các hãng ngoại quốc như BMW, Volswagen và Tesla.

TQ hiện đang chiếm 80% thị phần pin thế giới. 6 trong 10 nhà sản xuất lớn nhất nằm ở TQ, trong đó riêng CATL đã chiếm hơn 30% thị phần. Sự áp đảo này còn thể hiện trong suốt chuỗi cung ứng. Các công ty TQ đã ký những hợp đồng ưu đã với các đất nước giàu lithium và lợi dụng số tiền lớn mà nhà nước đầu tư vào những bước phức tạp nằm giữa khai thác và sản xuất. Điều này đang làm thế giới lo lắng. Mỹ và EU đang chạy đua để “cai sữa” từ TQ, trước khi quá muộn

Một chiếc ô-tô điện cần khoảng từ 30-60kg lithium. Ước tính đến năm 2034, chỉ riêng Mỹ đã cần khoảng 500,000 tấn lithium thô hàng năm cho EV. Các chuyên gia lo lắng có thể sẽ xảy ra khủng hoảng như dầu khí từ cuộc chiến ở Ukraina, do các lý do địa chính trị mà TQ cắt đứt nguồn cung cấp pin cho xe điện. Andrew Baron, giáo sư năng lượng và môi trường đại học Swansea nhận định: “phương Tây cần phải gấp rút nâng cao năng lực sản xuất pin.”

Và có vẻ như họ đang cố gắng, dù hơi chậm. Nếu theo đúng kế hoạch, đến năm 2025, Mỹ sẽ có thêm 13 siêu nhà máy, cùng với 35 nhà máy nữa ở châu Âu cho đến 2035. (Đây vẫn là giả thiết, vì khá nhiều dự án bị chậm trễ vì các vấn đề hậu cần, phản đối của dân chúng, như nhà máy của Tesla gần Berlin.)

Nhưng các nhà máy khổng lồ này vẫn cần lithium, rất nhiều. Tháng 3 vừa rồi, tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng Luật Sản xuất Quốc phòng để đầu tư vào các mỏ lithium và những vật liệu cần thiết khác để sản xuất pin ở nội địa, dưới danh nghĩa bảo đảm an ninh quốc gia. Châu Âu thì đang soạn thảo luật để tạo nên chuỗi cung ứng khép kín tại châu Âu, với việc tập trung vào khâu tái chế lithium.

Nhưng có một công đoạn quan trọng không thể bỏ quên giữa khai mỏ và sản xuất. Chế biến từ lithium thô sang carbonat lithium hay hydroxide lithium để làm pin, là một quá trình tốn kém và phức tạp. Mỹ có thể cần đến hàng chục năm và 175 tỷ USD để bắt kịp TQ. TQ hiện đang kiểm soát 2/3 năng lực chế biến lithium của thế giới giúp họ củng cố vị thế trên thị trường pin trong những năm tới.

Nếu không đầu tư vào công đoạn này, lithium đào lên được từ các mỏ ở Mỹ và châu Âu lại phải chở sang châu Á để chế biến trước khi đưa trở lại để sản xuất pin và TQ vẫn cầm chủ bài trong tay.

Thoạt trông, có vẻ như Kwinana là một bước đi đúng hướng. Một nhà máy chế biến được xây dựng ngay phía bắc cơ sở lọc dầu cũ, và trong tháng 5 đã cho ra mẻ lithium hydroxide đầu tiên sẵn sàng để làm pin. Nhưng điều đó không giúp Úc tự chủ trong việc chế biến và bán lithium của mình. Nhà máy đó là một liên doanh và cổ đông chính lại là một công ty TQ có tên là Tianqi Lithium, hiện kiểm soát khoảng một nửa năng lực sản xuất của cả thế giới.

Trong chuỗi cung ứng sản xuất pin, TQ có mặt ở khắp nơi. Tianqi có cổ phần ở công ty khai mỏ SQM lớn nhất Chile và Greenbushes mỏ lithium lớn nhất Úc. Cả Tianqi và đối thủ của họ ở TQ là công ty Ganfeng Lithium đã thỏa thuận nhiều thương vụ tại “Tam giác lithium” ở Nam Mỹ gồm khu vực giàu khoáng sản trên dãy Andes ở giữa ba nước: Argentina, Bolivia và Chile. Câu chuyện tương tự với các nguyên tố hiếm khác cần để làm pin như cobalt: TQ kiểm soát 70% ngành khai mỏ của Cộng hòa dân chủ Công gô, nơi chứa hầu như toàn bộ trữ lượng cobalt của thế giới.

Ngoài việc lũng đoạn thế giới, TQ cũng đẩy mạnh khai thác và sản xuất trong nước. Hiện TQ đứng thứ ba về sản xuất lithium, sau Úc và Chile, mặc dù chỉ chiếm dưới 10% tổng cung. Việc coi lithium là ưu tiên quốc gia là một phần của chiến lược “Made in China 2025”. Khoảng 60 tỷ USD được trợ giá để tạo ra thị trường xe điện và chuỗi cung ứng pin. Các công ty làm pin đầu tư hàng tỷ đô vào nguồn lithium nội địa với qui mô không có ở đâu trên thế giới. TQ là nước duy nhất có thể tự chủ hoàn toàn mọi công đoạn để đưa lithum từ quặng thô đến pin hoàn thiện mà không cần nhập khẩu bất cứ hóa chất hay thiết bị nào. Đây là hệ quả của một môi trường chính trị khuyến khích các công ty tập trung giảm chi phí sản xuất lithium thay vì tối ưu lợi nhuận cho cổ đông.

Nhưng TQ vẫn chưa sản xuất đủ lithium. Chưa kể ngoài lithium, họ vẫ phải nhập khẩu cobalt, nicken, đồng và than chì. Bởi thế họ vẫn cần cộng tác. Bởi thế hiện tại cả TQ và phương Tây đều chẳng thích thú gì chiến tranh thương mại. Nhưng sự cân bằng quyền lực có thể thay đổi vì hai bên đều đang nỗ lực tự chủ về năng lượng.

Trong khi phương Tây chạy đua xây mỏ và nhà máy, TQ bắt đầu khai thác Tân cương và các hồ nước mặn trên cao nguyên Tây tạng.

Cuối cùng có thể là lithium cũng không hiếm đến thế. Con người có thể học cách tách được lithium từ nước biển, hoặc chế ra công nghệ làm pin mới mà hoàn toàn chẳng cần đến lithium. Nhưng trong ngắn hạn, sự thiếu hụt nguồn cung có thể dẫn đến giá nguyên liệu tăng vọt và phá vỡ quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Nếu kịch bản đó xảy ra, các nhà sản xuất xe điện TQ sẽ có ưu thế lớn. Vì ngay bây giờ Nio và những nhãn hiệu châu Âu do TQ sở hữu như MG, đã bán xe điện với giá rẻ nhất trên thị trường. “Các công ty châu Âu do TQ kiểm soát có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ từ Âu Mỹ.”

Khi đi vào hoạt động, nhà máy lithium ở Kwinan sẽ có công suất 24000 tấn lithium hydroxide hàng năm. Nhưng lithium khai thác ở Úc, chuyển thành pin ở Hàn Quốc hoặc Thụy Điển rồi được lắp vào xe điện bán ở châu Âu hoặc Mỹ, phụ thuộc vào Trung Quốc trên từng cây số.

Những dấu tích của nhà máy lọc dầu vẫn còn đó, như đài tưởng niệm cuộc đua thế kỷ về năng lượng hóa thạch, đã thay đổi thế giới.

Một cuộc đua mới đã bắt đầu, và TQ đang chiếm thế thượng phong.

https://www.wired.com/story/china-lithium-mining-production

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Nguyễn Thành Nam

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

4 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại