Giá vàng: nếu thuốc “hạ sốt” hết tác dụng ?
Chiều ngày 3-6, 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước đã thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân theo chủ trương bình ổn thị trường vàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhưng nếu nguồn cung của các các ngân hàng có giới hạn mà nhu cầu từ phía người dân vẫn mạnh mẽ thì liệu có một toa thuốc khác?
Với việc kéo giá vàng miếng SJC về dưới 80 triệu đồng/lượng, so với đỉnh trước đó vài ngày thì mức giảm vào khoảng 11%, một mức biến động rất lớn đối với loại tài sản được xếp vào lớp “trú ẩn”. Điều này khiến cho những người đầu cơ lướt sóng cũng phải dè chừng, phần nào làm giảm áp lực từ phía cầu.
Tuy nhiên nhu cầu tích trữ, đầu tư dài hạn qua vàng vẫn là lý do chính mà đằng sau đó là nhiều lực đẩy.
Thứ nhất là tình hình địa chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng dự trữ vàng, thậm chí ngân hàng UBS của Thụy Sĩ còn dự phóng giá vàng lên đến 2600 usd/ounce vào cuối năm nay.
Thứ hai là xu hướng lãi suất bắt đầu giảm khi lạm phát về cơ bản được kiểm soát ở nhiều nền kinh tế lớn. Ngày 6-6 tới đây dự kiến ngân hàng trung ương Châu Âu ECB sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau một thời gian tăng lãi suất liên tục. Fed cũng được dự đoán là sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, và rất có thể bắt đầu từ tháng 9. Khi lãi suất giảm, nhu cầu vàng sẽ tăng lên khi dòng tiền chảy về vàng thông qua các ETFs, hoặc thậm chí vàng vật chất trực tiếp như vàng thỏi, vàng miếng, và đồng tiền vàng.
Riêng với Việt nam, nhu cầu tích trữ của người dân còn ở lực đẩy thứ ba là việc phòng ngừa rủi ro lạm phát kép (lạm phát đồng nội tệ và tỷ giá), và thêm vào đó là sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác chưa nổi trội như thị trường chứng khoán, bất động sản, sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó đứng ở góc độ nguồn cung, nhiều khả năng là không thể đáp ứng nhu cầu khi có những quy định nhằm hạn chế như số lượng tối đa mỗi người dân được mua, thủ tục cung cấp thông tin và việc phục vụ sẽ theo thứ tự trong trường hợp lượng vàng miếng có sẵn trong kho của ngân hàng không đủ, và trong trường hợp đăng ký mua phải đặt cọc trước.
Thông tin thị trường kết thúc ngày 3-6 cho thấy nhiều người dân không thể mua được vàng tại các ngân hàng và các công ty vàng cũng thông báo “không còn vàng để bán”.
Từ những dữ kiện trên, có thể thấy được giải pháp của NHNN là nhằm xử lý tình thế, tạm hạ sốt giá vàng và bước đầu cũng có phần nào tác dụng. Thế nhưng việc bình ổn trong điều kiện hạn chế nguồn cung mà nhu cầu vẫn mạnh mẽ thì sẽ không giải quyết được vấn đề một cách gốc rễ và toàn diện.
Nếu chênh lệch cung cầu đủ mạnh thì các giao dịch phi chính thức nhất định sẽ xảy ra, sẽ xảy ra tình trạng người được ưu tiên mua với giá tốt, người không.
Nếu phải điều tiết thị trường tự do
Cơn sốt giá vàng ở Việt nam xuất phát từ 2 chuyện: chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế, mà cụ thể là giá vàng miếng thương hiệu SJC; và nhu cầu tích trữ đầu tư của người dân.
Để giải quyết câu chuyện thứ nhất thì nhiều kiến nghị đề xuất đã được thảo luận khá rõ, đó là xóa bỏ độc quyền nhập vàng và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng vàng là giống nhau ở các thương hiệu, nếu có chênh lệch dựa vào uy tín, lợi thế thì cũng đảm bảo mức chênh lệch không quá lớn. Việc duy trì duy nhất thương hiệu “vàng quốc gia” vô hình đã tạo sự phân biệt.
Và câu chuyện thứ hai thì dù có đưa giá vàng trong nước tiệm cận với giá thế giới, mà nhu cầu của người dân vẫn cao một cách bất thường thì áp lực lên sự ổn định, an ninh hệ thống tiền tệ là điều phải tính đến. Bởi vì nhập khẩu vàng thì phải sử dụng đến dự trữ ngoại hối. Khi đó, chính phủ với thẩm quyền của mình phải có những biện pháp điều tiết để vì lợi ích quốc gia.
Một cách phổ biến để tác động giảm nhu cầu một loại tài sản nào đó là thông qua công cụ thuế. Hiện nay ở Việt nam, lợi nhuận từ đầu tư vàng, cũng được coi là lợi nhuận từ vốn (capital gains) vẫn chưa bị đánh thuế. Trong khi đó các hình thức đầu tư có lợi nhuận khác bị đánh thuế như chứng khoán, bất động sản. Việc đánh thuế lợi nhuận, hay thậm chí thuế thừa kế như ở một số quốc gia khác sẽ buộc người dân phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn các loại tài sản khác nhau để phân bổ.
Ngay cả trong trường hợp nhu cầu cao bất thường thì chính phủ cũng có thể tăng các loại thuế như nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để hạn chế bớt nhu cầu. Tuy nhiên cùng với chính sách này là phải kiểm soát được thị trường chợ đen.
Việc mua bán trao đổi vàng cũng cần được minh bạch, có hệ thống chứng từ theo dõi để ngăn chặn phòng ngừa các nguồn tiền bẩn, phi pháp. Việc mua bán trao đổi vàng như hiện nay ở Việt nam khá thoải mái và dễ dàng cũng là một yếu tố làm tăng nhu cầu vàng, đặc biệt là các khoản tiền lớn.
So với các loại tài sản đầu tư khác, vàng có một nhược điểm là không tạo dòng tiền. Chính vì vậy nếu những loại tài sản đầu tư khác như cổ phiếu có cổ tức tiền mặt hay trái phiếu (doanh nghiệp hay chính phủ) có đủ mức hấp dẫn thì sẽ dịch chuyển đáng kể dòng tiền của nhà đầu tư.
Nhu cầu vàng của người người dân trên thế giới trong đó có Việt nam là rất tự nhiên, vì nó được coi là một loại tài sản phòng thủ. Nhu cầu sẽ tăng khi kinh tế chính trị thế giới bất ổn, các cơ hội đầu tư khác không hấp dẫn và giảm khi ngược lại. Tuy vậy ngay khi giá trong nước và thế giới tiệm cận với nhau mà chỉ có người dân Việt nam vẫn cuồng mê vàng, sẵn sàng chấp nhận trả một mức chênh lệch thì chính phủ cần phải sử dụng các biện pháp điều tiết khác thay vì bình ổn giá.
Những chính sách về lâu dài như thuế, phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh vàng sẽ là những công cụ điều tiết hữu hiệu và giúp chính phủ linh động trong những tình huống cần phải điều tiết thị trường vàng, phòng tránh được những cơn sốt không đáng có.
Chia sẻ thông tin hữu ích