menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hoàng Thang

Giá tiêu dùng giảm mạnh, áp lực giảm phát vẫn "ám" Trung Quốc

Tình trạng này cho thấy những thách thức to lớn mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong quá trình vực dậy tăng trưởng sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết...

Giá tiêu dùng giảm mạnh, áp lực giảm phát vẫn "ám" Trung Quốc
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc giảm với tốc độ mạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, trong khi giá nhà sản xuất tiếp tục xu hướng giảm đã kéo dài nhiều tháng nay. Tình trạng này cho thấy những thách thức to lớn mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong quá trình vực dậy tăng trưởng sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,5% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng kể từ tháng 11/2020 và mạnh hơn mức giảm 0,2% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg.

Cùng với đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 3%, so với mức dự báo giảm 2,8%. Giá hàng hoá tại cổng nhà máy ở Trung Quốc đến tháng 11 này đã giảm 14 tháng không nghỉ.

Trung Quốc đã chật vật ứng phó với tình trạng giá cả tụt dốc trong phần lớn thời gian của năm nay, trái ngược với những gì diễn ra ở nhiều nền kinh tế khác trên thế giới - nơi các ngân hàng trung ương còn tập trung vào nhiệm vụ chống lạm phát. Theo một dự báo của Bloomberg Economics, áp lực giảm phát sẽ còn “ám” Trung Quốc trong năm 2024 vì chưa có đủ chất xúc tác để nền kinh tế này đảo ngược được tình trạng sụt giảm của giá nhà - nhân tố gây sức ép giảm lên nhu cầu và giá cả trong toàn bộ nền kinh tế.

Theo nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của công ty Pinpoint Asset Management, áp lực giảm phát ở Trung Quốc đã tăng lên do nhu cầu nội địa yếu. “Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có thể chính sách hỗ trợ bằng tài khoá”, ông Zhang nói.

Đối với Trung Quốc, giảm phát là một vấn đề nguy hiểm, bởi giảm phát có thể dẫn tới một vòng xoáy suy giảm trong hoạt động kinh tế. Người tiêu dùng sẽ trì hoãn việc mua sắm vì kỳ vọng giá cả sẽ giảm, khiến áp lực giảm tiêu dùng càng lớn. Doanh nghiệp sẽ cắt giảm sản xuất và đầu tư do sự bấp bênh về nhu cầu trong tương lai.

Giảm phát cũng có thể khiến cho chính sách tiền tệ kém hiệu quả hơn trong việc kích thích nền kinh tế, vì giá cả giảm kéo theo lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, khiến cho các công ty khó trả nợ hơn. Năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cố gắng nói giảm về rủi ro giảm phát. Tháng trước, một cố vấn của PBOC nói áp lực giảm phát chỉ là vấn đề tạm thời.

Gần đây, Bắc Kinh đã triển khai một số biện pháp chính sách tài khoá để kích thích nhu cầu trong nước, bất ngờ tăng mức thâm hụt ngân sách và khuyến khích ngân hàng hỗ trợ chính quyền địa phương đảo nợ với lãi suất thấp nhằm các địa phương tăng khả năng chi tiêu.

Đã có những dấu hiệu cho thấy sự hỗ trợ tài khoá sẽ được đẩy mạnh trong năm tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. Hôm thứ Sáu tuần trước, Chính phủ nước này tuyên bố các chính sách hỗ trợ như vậy sẽ được tăng cường “một cách phù hợp”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của “tiến bộ” kinh tế - tín hiệu về một mục tiêu tăng trưởng có thể tham vọng hơn cho năm 2024.

Giá tiêu dùng giảm mạnh, áp lực giảm phát vẫn "ám" Trung Quốc

Mức tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước của chỉ số CPI và PPI của Trung Quốc từ năm 2017 đến nay. Đơn vị: % - Nguồn: Bloomberg/Tổng cục Thống kê Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường chi tiêu có thể sẽ không đủ để bù đắp sự suy giảm của nhu cầu trong các khu vực khác của nền kinh tế. Trong vòng 1 năm tính đến tháng 11 vừa qua, giá bán nhà mới của 100 doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã giảm 29,6%.

Xuất khẩu của Trung Quốc cũng còn yếu, chỉ tăng 0,5% trong tháng 11, thấp hơn nhiều so với mức tăng trong những năm gần đây. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng còn quá sớm để cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chạm đáy, thậm chí cho rằng Trung Quốc còn phải đương đầu với áp lực lớn hơn trong năm 2024 do cuộc khủng hoảng bất động sản còn tiếp diễn.

CPI tháng 11 của Trung Quốc giảm một phần do giá thịt lợn ở nước này giảm mạnh. Nguồn cung lợn dồi dào và nhu cầu tiêu dùng yếu đi đã gây áp lực lên thị trường thịt lợn, buộc Chính phủ Trung Quốc phải vào cuộc để hỗ trợ giá thịt lợn - mặt hàng chiếm một tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá và dịch vụ tính CPI của nước này.

CPI lõi - chỉ số không tính đến giá lương thực-thực phẩm và giá năng lượng - tăng 0,6% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, bằng mức tăng của tháng 10.

Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát cả năm khoảng 3% trong năm nay, và gần như chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu này. Giới chuyên gia kinh tế dự báo không đồng nhất về triển vọng lạm phát của Trung Quốc trong năm 2024. Một số cho rằng giá tiêu dùng ở nước này có thể sẽ tăng khoảng 1% nếu tâm lý khởi sắc, một số khác dự báo giảm phát sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, ông Bruce Pang, dự báo chính sách kích cầu chủ động bằng tài khoá sẽ là một phần quan trọng trong các mục tiêu chính sách của Trung Quốc trong năm tới. Các biện pháp này sẽ “phải cân bằng giữa một bên là thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, và một bên là hạn chế rủi ro nợ nần đối với các chính quyền địa phương” - ông Pang nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại