menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Hà

Giá lợn hơi tiếp tục vọt tăng, mức tăng cao nhất lên đến 7.000 đồng/kg, dự báo "nóng"

Thị trường lợn hơi hôm nay (14/7) tiếp tục điều chỉnh tăng tại một số nơi ở cả 3 miền, mức tăng dao động từ 1.000 - 7.000 đồng/kg. Hiện tại, giá khảo sát ở các tỉnh thành dao động trong khoảng 54.000 - 70.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 14/7: Ghi nhận mức tăng cao nhất 7.000 đồng/kg

Ngày 14/7, thị trường lợn hơi khu vực miền Bắc tiếp tục tăng nhẹ từ 1 - 2 giá. Cụ thể, lợn xuất chuồng tại Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai và Nam Định tăng 2.000 đồng lên 67.000 - 68.000 đồng/kg. Lợn tại Hà Nội và Hưng Yên vẫn giữ mức cao nhất khu vực, đưa giá lợn chung toàn vùng hôm nay dao động trong khoảng 66.000 - 70.000 đồng/kg.

Trong khi đó, lợn hơi tại khu vực miền Trung và Tây nguyên hôm nay ghi nhận tăng mạnh từ 1 - 7 giá. Trong đó, lợn hơi tại Bình Định, Ninh Thuận, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Khánh Hòa tăng từ 2 - 3 giá, lên mức 61.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá lợn tại 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Quảng Ngãi tăng vọt 5.000 - 7.000 đồng lên ngưỡng 65.000 đồng/kg, cao nhất khu vực, đưa giá lợn toàn vùng dao động trong khoảng 61.000 - 65.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, lợn hơi tăng 1 - 3 giá, Trong đó, tăng cao nhất ghi nhận tại TP.HCM, Đồng Nai, đưa giá lợn toàn miền dao động trong khoảng 54.000 - 65.000 đồng/kg.

Nửa đầu tháng 7, giá lợn hơi có xu hướng tăng mạnh trở lại. Điều khá trùng hợp là giá lợn hơi tại Trung Quốc cũng đang trên đà phục hồi mạnh và chính phủ nước này đang phải can thiệp bằng kho dự trữ quốc gia. Việc giá lợn hơi biến động mạnh thời gian gần đây khiến một số người nghi ngờ về khả năng Trung Quốc nhập khẩu lợn Việt Nam theo đường tiểu ngạch khiến giá tăng vọt.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, khả năng Việt Nam xuất khẩu lợn sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch là rất thấp bởi Trung Quốc đang kiểm soát dịch rất chặt vì nước này vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid”. Việc giá lợn hơi tăng thời gian gần đây là do nhu cầu đang tăng trở lại trong khi nguồn cung hiện eo hẹp hơn.

Theo nhiều hộ chăn nuôi, giá lợn hơi có xu hướng tăng mạnh là bởi thời gian trước gặp dịch bệnh, nhiều trại nuôi bán tháo, lợn mới chỉ 60-80kg đã bán. Đến nay, nguồn cung thiếu hụt đẩy giá lợn hơi tăng cao. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục được điều chỉnh tăng đẩy giá bán thịt lợn lên theo.

Thời gian qua, giá xăng, dầu tăng phi mã kéo theo tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng cao, trong đó có mặt hàng thực phẩm. Đây là nguyên nhân chính khiến giá các loại thịt bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng rất cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm 2021, tại thời điểm tháng 6/2022, tổng đàn lợn ước tính tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 2,12 triệu tấn (tăng 5,7%). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi nên chăn nuôi phát triển ổn định, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tốt.

Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố trong báo cáo mới nhất (ngày 12/7/2022) cho biết, xuất khẩu thịt lợn toàn cầu nhìn chung sẽ giảm trong năm 2022, triển vọng thời gian tới được nhận định sẽ không sáng sủa.

Số liệu công bố trong tháng này cho thấy nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc cả năm 2022 giảm ước tính 1,4 triệu tấn so với tính toán công bố vào tháng 4/2022 và xuống mức chỉ còn bằng nửa so với năm 2021, nguyên nhân chính do hoạt động chăn nuôi lợn tại Trung Quốc thuận lợi, sản lượng thịt lợn tăng mạnh. Trung Quốc hiện vẫn giữ vị thế nước nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới, chiếm 20% tổng sản lượng thịt lợn xuất khẩu toàn cầu. Dù vậy, tỷ trọng này cũng đã giảm đáng kể so với tỷ lệ 42% vào năm 2020.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, các nước/khu vực xuất khẩu thịt lợn lớn của thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Brazil và Mỹ đã phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Khi mà không còn nhiều thị trường thay thế có thể hấp thụ được khối lượng lớn, tổng xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự kiến sẽ giảm 13% trong năm 2022.

Ngành chăn nuôi sắp bước vào giai đoạn “dễ thở” hơn?

Thông tin mới nhất từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, giá nông sản biến động, ngành chăn nuôi sắp bước vào giai đoạn “dễ thở” hơn. Theo đó, thị trường nông sản bước vào tháng 7 tiếp nối đà giảm và đi cùng với những phiên biến động cực kì mạnh mẽ. Sau giai đoạn khó khăn do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng phi mã kể từ cuối năm ngoái, áp lực đối với các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta đang dần được gỡ bỏ.

Chỉ trong 2 tuần vừa qua, thị trường nông sản đã liên tiếp đón nhận 3 báo cáo quan trọng cho thấy cơ cấu cung – cầu thế giới đang có sự dịch chuyển. Những số liệu này đã góp phần củng cố cho kỳ vọng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay. Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nông sản của nước ta.

Giá lợn hơi tiếp tục vọt tăng, mức tăng cao nhất lên đến 7.000 đồng/kg, dự báo "nóng"

Giá nông sản biến động, ngành chăn nuôi sắp bước vào giai đoạn “dễ thở” hơn. Ảnh: CTV

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá hợp đồng ngô Chicago kỳ hạn tháng 12 tính đến hết phiên 14/07 đã ghi nhận mức sụt giảm tới hơn 20% kể từ vùng đỉnh vào tháng 5. Giá ngô giao trong 3 tháng cuối năm được chào bán tại cảng Vũng Tàu cũng hạ xuống về vùng 8000 đồng/kg.

Các báo cáo quan trọng đều cùng dự báo nguồn cung nới lỏng. Cụ thể: Báo cáo cung – cầu nông sản thế giới tháng 7 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào ngày 12/07 vừa qua đã thể hiện đánh giá tích cực hơn về triển vọng nguồn cung toàn cầu. Theo đó, tồn kho ngô trên thế giới cuối niên vụ 22/23 dự tính sẽ tăng 2,5 triệu tấn lên mức 312,9 triệu tấn, vượt mức kỳ vọng của thị trường.

Ngoài ra, diện tích gieo trồng ngô tại Mỹ mở rộng cũng kéo theo tồn kho ngô Mỹ cuối niên vụ 22/23 được dự báo sẽ cải thiện lên 37,3 triệu tấn, vượt mức kỳ vọng của thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thời tiết và năng suất mùa vụ tại quốc gia sản xuất nông sản lớn nhất thế giới sẽ là yếu tố đóng vai trò quyết định với sản lượng và ảnh hưởng phần lớn tới xu hướng giá ngô.

Mặc dù các số liệu tại Brazil và Argentina vẫn được USDA duy trì ước tính so với báo cáo tháng 6 nhưng tình trạng mùa vụ hiện tại cũng định hướng thị trường theo góc nhìn tích cực hơn về nguồn cung. Theo Hãng tư vấn nông nghiệp AgRural, tiến độ thu hoạch vụ ngô thứ 2 tại Brazil đã đạt 40,5% diện tích dự kiến, nhanh hơn nhiều so với mức 19,8% trong cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết khô nóng phù hợp cho hoạt động thu hoạch đã giúp mùa vụ năm nay diễn ra nhanh nhất trong lịch sử và hạn chế rủi ro cây trồng sẽ trải qua giai đoạn sương giá trong giai đoạn tới.

Những lo ngại về vấn đề gián đoạn nguồn cung tại khu vực Biển Đen đang dần được xoa dịu. Trong vòng 4 ngày qua đã có tới 16 tàu vận tải quốc tế di chuyển qua cửa sông Bystre và cập cảng của Ukraine để vận chuyển ngũ cốc ra thị trường thế giới. Ngoài ra, hơn 90 tàu khác đang chờ đến lượt di chuyển tại kênh Sulina của Romania. Các quan chức Ukraine đang đàm phán với những người đồng cấp tại Romania và đại diện của Ủy ban châu Âu để tăng số lượng tàu di chuyển tại kênh Sulina. Nếu đạt được thỏa thuận, dự kiến xuất khẩu ngũ cốc hàng tháng của Ukraine sẽ tăng thêm 500.000 tấn.

Sau giai đoạn chật vật đi tìm con đường xuất khẩu thay thế, cùng với sự hỗ trợ từ các nước phương Tây, đây có thể sẽ là lựa chọn tốt nhất để giúp Ukraine có thể đưa ngũ cốc tiếp cận với thị trường nhập khẩu. Hoạt động bán hàng và vận chuyển thuận lợi sẽ giúp giải phóng các kho chứa hiện tại và gia tăng năng lực dự trữ trước khi giai đoạn thu hoạch cho mùa vụ mới diễn ra.

Theo các chuyên gia MXV, mặc dù giá nguyên liệu nhập khẩu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đầu năm nay nhưng khối lượng mua hàng của các nhà máy trong nước vẫn đang khá chậm. Theo số liệu từ Hải quan, nhập khẩu ngô trong tháng 6/2022 của nước ta đạt 1 triệu tấn, giảm nhẹ so với trong tháng 5. Tổng lũy kế nhập khẩu ngô về Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đạt mức 4,55 triệu tấn, thấp hơn 14,4% trong cùng kỳ năm ngoái.

Với kỳ vọng giá có thể sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới, lượng ngô nhập khẩu trong tháng 7 được dự báo cũng thấp hơn. Tuy nhiên, MXV cho biết, khô hạn ở Mỹ vẫn là yếu tố cần lưu ý trong 2 tháng tới, giai đoạn phát triển quan trọng nhất của cây trồng. Nếu như tình trạng nắng nóng ở Midwest vẫn không cải thiện, năng suất ngô và đậu tương sẽ đứng trước nguy cơ sụt giảm và kéo theo mức sản lượng thu hoạch cũng thấp hơn dự báo hiện tại. Lo ngại trên sẽ khiến cho các mặt hàng nông sản có thể sẽ vẫn neo ở vùng giá hiện tại và khó có thể giảm xuống thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà máy chăn nuôi nên tận dụng thời điểm để mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước. Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt sẽ giúp ổn định giá lợn hơi và giá thịt lợn trong nước thời gian tới; đồng thời giúp nông dân vẫn có lãi để thúc đẩy họ tái đàn lợn tốt hơn.

Được biết, 6 tháng cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đã đạt 3,4 triệu tấn, trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022?

Do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) trên thế giới, giá nguyên liệu TACN trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 6, giá nguyên liệu TACN theo xu hướng giảm nhẹ. Tính đến tháng 7, giá một số nguyên liệu chính giảm khoảng 0,3% - 5,5% so với bình quân trong tháng 6. Mặc dù vậy, giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh theo xu hướng tăng 0,3 - 1,4% do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó.

Cục Chăn nuôi dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu chính có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại