menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Hải

Giá dầu thế giới tăng cao, Việt Nam dự kiến giảm khai thác là chưa phù hợp

Theo lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao thì việc dự kiến sản lượng khai thác năm 2022 giảm so với ước thực hiện năm 2021 là chưa phù hợp.

Thu ngân sách Trung ương hụt khá lớn, khoảng 28.000 - 29.000 tỷ đồng

Chiều nay (20/10), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022 - 2024.

Theo lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách, năm 2021 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19. Đảng, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Giá dầu thế giới tăng cao, Việt Nam dự kiến giảm khai thác là chưa phù hợp
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội (Ảnh: Tiến Tuấn)

Về thu NSNN năm 2021, ông Cường cho biết tổng số thu cân đối NSNN ước vượt dự toán. Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán. Nếu loại trừ các khoản tăng thu từ đất, tài nguyên thì số thu nội địa không đạt dự toán. Cơ cấu thu chưa vững chắc.

"Thu ngân sách Trung ương hụt khá lớn, khoảng 28.000 - 29.000 tỷ đồng. Đặc biệt, thu từ bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Trung ương đạt 2,5% dự toán. Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo", ông Cường thông tin.

Về chi NSNN năm nay, lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 nghìn tỷ đồng. Liên quan đến việc mua, tiếp nhận và nhu cầu vaccine, Ủy ban đã đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể về số lượng được hỗ trợ, viện trợ; Dự kiến nhu cầu trong trường hợp dịch kéo dài; Công khai việc sử dụng Quỹ vaccine; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Về chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ làm rõ tổng nguồn lực đã bố trí chi mua sắm; kết quả việc sử dụng NSNN trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch.

Về chi thường xuyên, báo cáo cho thấy ước cả năm vượt dự toán 2,2%, chủ yếu phát sinh các khoản chi cho phòng, chống dịch. Do vậy, ông Cường cho biết Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề nghị rút kinh nghiệm do vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, phân bổ không đúng đối tượng ở một số bộ, ngành trung ương, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia dẫn đến phải điều chỉnh, cắt, giảm dự toán như thời gian vừa qua.

Dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2022 giảm so với năm nay là chưa hợp lý

Thẩm tra về dự toán thu NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, Chính phủ dự toán thu NSNN xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp.

Ngoài ra, theo lãnh đạo cơ quan này, việc dự kiến tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP thấp hơn so với mức bình quân theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội (không thấp hơn 16% GDP).

Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán thu nội địa tăng 3,8%, nhưng theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, để phấn đấu đưa số thu nội địa bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 85-86% tổng thu NSNN theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 thì còn khoảng cách khá lớn.

Bên cạnh đó, cơ cấu thu nội địa còn có các khoản thu chứa đựng nhiều rủi ro như: thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của NHNN.

"Việc dự toán 3 khoản thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đối với nguồn thu từ doanh nghiệp Nhà nước chỉ tương đương với số thực hiện năm 2021 là mức dự kiến còn thấp", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay.

Cũng theo ông Cường, một số dự toán thu cần xem xét lại. Cụ thể dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2022 chỉ bằng 96% so với thực hiện năm 2021 là chưa hợp lý. "Về thu từ dầu thô, trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao thì việc dự kiến sản lượng khai thác giảm so với ước thực hiện năm 2021 là chưa phù hợp", ông Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, trong dự toán thu NSNN năm 2022 cần tính đến số giảm thu do có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí trong trường hợp dịch bệnh còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại