menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

Dự báo kinh tế số chiếm 60% GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Dự đoán, kinh tế số có thể chiếm tới 60% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021.

Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).

Nhờ nền kinh tế dựa vào các công nghệ cao và kỹ thuật số mà hiệu suất kinh tế phát huy hiệu quả, nhiều ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội, giải trí đến giao thông vận tải, phân phối, bán buôn và bán lẻ...

Tăng trưởng mạnh mẽ

Nền kinh tế số hiện nay ngày càng bao phủ trong tất cả khía cạnh kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới. Ước tính, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt giá trị 72 tỷ USD năm 2018 và dự kiến đạt 240 tỷ USD vào năm 2025.

Dự đoán, kinh tế số có thể chiếm tới 60% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021.

Theo công ty kiểm toán Deloitte, châu Á đã trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhờ việc chú trọng phát triển lĩnh vực kỹ thuật số, khu vực sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập niên tới”.

Trung Quốc hiện là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, trong khi Singapore và các nước châu Á khác giành được vị thế trong cuộc cạnh tranh thu hút, phát triển tài năng kinh doanh toàn cầu bên cạnh việc xúc tiến xây dựng nhiều trung tâm công nghệ cao.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ USD. Hồi tháng 6/2018, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore (Xin-ga-po) S. Iswaran cho biết các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần tăng cường kết nối kỹ thuật số khu vực để có thể tận dụng cơ hội ngày càng tăng trong một môi trường đổi mới và số hóa toàn cầu cũng như đáp ứng những thách thức trong tương lai.

Theo ông S. Iswaran, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN dự kiến có thể đạt giá trị trên 200 tỷ USD vào năm 2025, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử chiếm 88 tỷ USD.

Khảo sát của Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) về Triển vọng ASEAN 2017-2018 tại hội nghị cũng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều khẳng định ASEAN là thị trường quan trọng trong chiến lược mở rộng kinh doanh tổng thể của họ trong năm 2018 và 2019.

Ông S. Iswaran nhấn mạnh ASEAN trước tiên phải giải quyết những thách thức do nền kinh tế kỹ thuật số đặt ra; đồng thời các Chính phủ phải bắt kịp với kinh tế kỹ thuật số và giải quyết những vấn đề hạn chế khả năng của các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó có chính sách liên quan đến luồng dữ liệu và nội địa hóa, sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và hỗ trợ thương mại kỹ thuật số.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore đã làm việc với các nước ASEAN về các sáng kiến cụ thể, như Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử nhằm thúc đẩy các quy tắc thương mại trong thương mại điện tử vốn đang là rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp để xây dựng kết nối kỹ thuật số lớn hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng thương mại điện tử trong khu vực; cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp tiềm năng, khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Bộ trưởng S. Iswaran cho biết thêm, hiện có ba lĩnh vực là cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN tham gia mạnh vào nền kinh tế kỹ thuật số.

Đó là phát triển các liên kết giữa thương mại và người tiêu dùng (B2C) thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đây được coi là trụ cột phát triển nhanh nhất của nền kinh tế Internet.

Tiếp đến là dịch vụ hỗ trợ bao gồm thanh toán, bảo hiểm, phát hiện gian lận, dịch vụ khách hàng... Cuối cùng là cơ sở hạ tầng gồm cơ sở dữ liệu và các trung tâm thương mại điện tử.

Được Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) tổ chức, Hội nghị Kinh tế số thu hút khoảng 450 đại biểu từ các nước trong khu vực, trong đó có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng nhau chia sẻ các xu hướng phát triển của kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là các lĩnh vực gồm ngân hàng-tài chính, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử và chuỗi cung ứng.

Bài học kinh nghiệm

Trong số các nền kinh tế BRICS, Ấn Độ không phải là nước đứng đầu về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông.

Tuy vậy, Ấn Độ đã thực hiện thành công nhiều sáng kiến kỹ thuật số độc đáo trong vài năm qua. Một trong những kinh nghiệm của Ấn Độ là các sáng kiến để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Ví dụ, chương trình Digital India đã đưa kết nối mạng Internet tới 250.000 làng ở vùng nông thôn nước này bằng cách thiết lập hệ thống cáp quang trên toàn quốc.

Trong khi đó, dù là quốc gia có ít tài nguyên thiên nhiên và diện tích nhỏ, Singapore đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế ngoạn mục kể từ năm 1959.

Để duy trì đà phát triển này, Singapore ngay từ đầu đã xác định phát triển khoa học công nghệ là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Khoa học công nghệ là yếu tố góp phần mở rộng khả năng sản xuất của nền kinh tế, kích thích tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào.

Cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, Singapore là một trong những quốc gia được “kỹ thuật số hóa” nhất thế giới.

Theo khảo sát về Chính phủ điện tử 2016, Liên hiệp quốc (LHQ) đã xếp hạng Singapore với Hàn Quốc vào nhóm năm nước hàng đầu về Chỉ số Dịch vụ Trực tuyến.

Singapore đã được đánh giá cao về sáng kiến xây dựng Quốc gia thông minh năm 2014 với gần 98% dịch vụ công được kết nối trực tuyến.

Ví dụ, Singapore có hệ thống cảm biến, máy ghi hình, thiết bị định vị toàn cầu (GPS) được lắp đặt ở các xe taxi để theo dõi giao thông, giúp dự đoán những điểm có nguy cơ tắc nghẽn, từ đó thông báo cho lái xe tìm đường đi khác.

Chính công nghệ đã giúp các cá nhân, doanh nghiệp và chính quyền làm được nhiều việc hiệu quả hơn. Theo Công ty tư vấn dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu Accenture, những công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp Singapore nâng tỷ lệ tăng trưởng GDP lên gần gấp đôi vào năm 2035.

Các nghiên cứu cho thấy AI sẽ giúp tăng năng suất lao động của Singapore lên tới 41% vào năm 2035, mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển.

Các nhà phân tích cho rằng việc tăng đáng kể năng suất lao động nhờ công nghệ tiên tiến sẽ giúp con người sử dụng thời gian hiệu quả hơn, đồng thời phát huy được những lợi thế tuyệt đối của con người là trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo cũng như khả năng đổi mới.

Theo ước tính, nếu áp dụng AI, Singapore chỉ cần 13 năm để tăng gấp đôi quy mô kinh tế, thay vì khoảng 22 năm.

Theo các quan chức Singapore, nước này sẽ phát triển thành nền kinh tế kỹ thuật số và Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư vào những công nghệ đi đầu như AI.

Động thái trên là để đối phó với những thách thức về nhân khẩu, sự biến đổi của công nghệ cũng như những cạnh tranh của nhiều tuyến đường thương mại mới đang mở ra trên thế giới...

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc mở rộng áp dụng các công nghệ kỹ thuật số ở Trung Quốc sẽ làm tăng năng suất và tái định hình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Quan chức Zhang Longmei của IMF cho hay quá trình kỹ thuật số hóa của Trung Quốc đang phát triển nhanh và ở mức trung bình khá trên thế giới, trong khi thương mại điện tử và lĩnh vực công nghệ tài chính của nước này đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới.

Bà Zhang Longmei cho rằng thành công trên đến từ sự kết hợp một loạt yếu tố, bao gồm 700 triệu người sử dụng Internet, 282 triệu công dân kỹ thuật số, một môi trường kỹ thuật số phong phú và sự hỗ trợ của Chính phủ đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Tiến trình kỹ thuật số sẽ giúp tăng năng suất dựa trên các yếu tố tổng hợp (TFP) và thúc đẩy tạo thêm nhiều việc làm ở Trung Quốc và giảm nhu cầu đối với các sản phẩm trung gian nhờ hạ thấp chi phí giao dịch và những rào cản đối với việc tiếp cận trên nhiều lĩnh vực, nhất là những hàng hóa và dịch vụ truyền thống.

Còn theo Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã đạt giá trị 3.800 tỷ USD năm 2018, tương đương khoảng một phần ba Tổng sản phẩm quốc nội.

Hiện có hàng trăm triệu người ở Trung Quốc sử dụng các ứng dụng di động cho mạng xã hội, giải trí, trò chơi trực tuyến và mua sắm.

Các đô thị lớn của Trung Quốc phần lớn không dùng tiền mặt để thanh toán, thay vào đó người dùng sẽ thanh toán di động thông qua WeChat của Tencent và Alipay của Alibaba./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại