menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Việt Dũng

Điểm nghẽn nào doanh nghiệp dệt may và da giày cần tháo gỡ để phục hồi sản xuất?

Chiều ngày 08/10, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (LEFASO) tổ chức buổi Đối thoại “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày Việt Nam”.

Điểm nghẽn nào doanh nghiệp dệt may và da giày cần tháo gỡ để phục hồi sản xuất?
Buổi đối thoại được tổ chức trực tuyến chiều ngày 08/10/2021

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xảy ra khi ngành dệt may và da giày bước vào mùa cao điểm trong sản xuất xuất khẩu với số lượng đơn hàng tăng mạnh khi các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, và Trung Quốc đều phục hồi. Đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp tới các khu công nghiệp, khiến cho hàng ngàn người lao động bị nhiễm và hàng ngàn doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất.

Theo nghiên cứu tháng 9 của Hiệp hội dệt may và da giày, các nhãn hàng vì lo ngại bị chậm trễ thời gian giao hàng đã chuyển những đơn hàng chưa sản xuất ra nước ngoài. Khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam, 60% doanh nghiệp dệt may và da giày bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm.

Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy; người lao động mất việc làm, thu nhập và đứng trước nguy cơ nghèo đói.

Điểm nghẽn nào doanh nghiệp dệt may và da giày cần tháo gỡ để phục hồi sản xuất?

Khó chồng thêm khó

Đại diện người lao động, ông Nhạc Phan Linh - Viện Công nhân Công đoàn cho biết: “Những khó khăn trước mắt của ngành dệt may, da giày giống như những ngành lao động khác. Đó là vấn đề về sức khỏe và lao động sản xuất. Thậm chí có nhiều người lao động có tâm lý lo lắng quá lớn nên tự nguyện không tham gia sản xuất chứ không phải doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, họ cho rằng mô hình 3 tại chỗ quá áp lực và khi nới lỏng giãn cách thì họ đã di chuyển sang các tỉnh thành khác”.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho hay, thực tế khó khăn không giống nhau ở các địa phương và các lĩnh vực trong dệt may như sợi sẽ khác với may. Khó khăn thứ nhất, doanh nghiệp vẫn còn khó mở cửa sản xuất bởi chính sách khác nhau ở các tỉnh thành, như ở Biên Hòa vẫn thực hiện 3 tại chỗ, TPHCM vẫn hạn chế di chuyển tại các tỉnh thành cận kề. Thứ hai là khó khăn về thiếu nguồn nhân lực xanh, những doanh nghiệp có giải pháp quan tâm đến người lao động sẽ dễ phục hồi hơn ví dụ như TCM đã phục hồi lao động được 86%, Việt Tiến khoảng 80%. Nhìn chung, với 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc bao phủ tiêm chủng vắc xin vẫn là khó khăn. Hoặc thêm câu chuyện thời gian giãn cách kéo dài, nhân lực trở lại hay không vẫn là một vấn đề. Thứ ba là khó khăn về tài chính, nhiều doanh nghiệp dòng tiền đã cạn đáy.

Bà Phan Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày - Túi xách Việt Nam cho hay: “Về việc mở cửa sản xuất quá phức tạp và lưu thông giữa các tỉnh đã gây sự cản trở quá lớn vậy làm sao có sự thông suốt để các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ngoài ra, tâm lý người lao động họ đang lo ngại về vấn đề an toàn và sự di chuyển. Chúng ta phải làm như thế nào để đảm bảo tâm lý cho người lao động khi quay lại sản xuất.

Theo bà Xuân, qua đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần rút ra những bài học như tính chủ động của các doanh nghiệp phải được nâng lên rất nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải xây dựng quỹ phòng ngừa rủi ro bởi bất kỳ tình huống nào cũng có thể xảy ra, nếu không có sẽ xảy ra phá sản rất nhanh chóng. Ngoài ra phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà máy và khách hàng để cùng chia sẻ những khó khăn.

Cơ hội và thách thức nào cho doanh nghiệp dệt may và da giày?

Theo TS. Đỗ Quỳnh Chi - Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, ngành dệt may và da giày đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Thứ nhất, tỷ lệ vắc xin miền Bắc và Trung (và người lao động về quê) có chênh lệch. Thứ hai, người lao động có thể ở quê một thời gian 3-5 tháng nếu không được hỗ trợ tích cực. Thứ ba, các doanh nghiệp bị hủy đơn, kiệt sức do chi phí tăng cao dẫn đến không trợ cấp cho người lao động khiến người lao động bị mất niềm tin. Thứ tư, 68% nhà máy chậm giao hàng bị phạt khiến doanh nghiệp càng thêm kiệt sức và khó hồi phục. Cuối cùng, các nhãn hàng dịch chuyển các đơn hàng gấp trong 5 tháng tới.

Bên cạnh thách thức cũng có nhiều cơ hội lớn. Đầu tiên là tỷ lệ phủ ít nhất 1 mũi vắc xin của 2 ngành khá cao (73.6%), 89% người lao động di cư mong muốn quay trở lại làm tại nhà máy hiện tại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn duy trì trợ cấp cho người lao động trong thời gian ngừng việc sẽ tạo niềm tin và gắn bó với doanh nghiệp. Thêm vào đó, sự dịch chuyển đơn hàng chỉ mang tính tạm thời.

Bà Claudia Anselmi - Thành viên ban điều hành EuroCham cho biết: “Thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt là giảm khả năng để quay trở lại sản xuất như bình thường. Đặc biệt tình trạng công nhân di cư về quê sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, những đối tác, các nhà máy, doanh nghiệp cần có những chuyên gia để hỗ trợ, sự linh hoạt trong chính sách sẽ giúp phục hồi kinh tế xã hội và ngành dể may da giày. Đây là cách duy nhất để đảm bảo công nhân trở lại. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đảm bảo về y tế, tiêm phòng vắc xin… Điều quan trong chúng ta cần phải khuyến khích doanh nghiệp có trách nhiệm hơn, đảm bảo tính cạnh tranh bền vững hơn. Chúng tôi tin rằng nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng một chuỗi có hệ thống để có thể quản lý một cách hiệu quả. Không chỉ vây, các doanh nghiệp cần phải áp dụng số hóa và đầu tư công nghệ vào sản xuất.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương chia sẻ, Việt Nam là nước xuất khẩu da giày đứng thứ 2 thế giới và thứ 5 về xuất khẩu dệt may. Ông Hải cũng khẳng định Việt Nam vẫn là một địa điểm thuận lợi để hội tụ chuỗi cung ứng. Do vậy, các nhãn hàng nước ngoài vẫn sẽ đặt sự tin tưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp dệt may và da giày

Theo TS. Đỗ Quỳnh Chi, thứ nhất, cần tăng cường tiêm vắc xin cho khu vực miền Bắc và miền Trung, người lao động di cư về quê. Thứ hai là giảm thuế phí và nhãn hàng cần chia sẻ chi phí, cần có thương lượng giữa Hiệp hội với nhãn hàng để chia sẻ chi phí chậm trễ hàng, chi phí xét nghiệm, tạm ứng tiền trả lương cho người lao động. Thứ ba là nới lỏng biện pháp chống dịch, lưu thông giữa các tỉnh và cho phép người lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin được làm việc bình thường. Cuối cùng, cần những chính sách giãn nợ và cho doanh nghiệp vay ưu đãi, đặc biệt vay để trả lượng cho người lao động vì thời gian thanh toán đơn hàng sẽ kéo dài.

Ngoài ra, nhãn hàng cần đảm bảo thời hạn thanh toán bình thường để doanh nghiệp trả lương cho người lao động.

Còn theo ông Phan Linh: “Tôi cho rằng cần quan tâm chăm lo đến người lao động. Họ mong muốn được hỗ trợ tài chính và họ mong muốn được chăm lo tăng cường sức khỏe. Tôi hy vọng các bên liên quan sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động”.

Theo ý kiến của bà Nguyễn Tuyết Mai, doanh nghiệp có thể sắp xếp những khu nhà trọ xanh thì người lao động sẽ an tâm quay trở lại. Ngoài ra, các ngân hàng cũng như nhãn hàng hãy cùng đồng hành chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp trong việc chi trả lương cho người lao động trong thời gian này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại