menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
TS. Cấn Văn Lực

Dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 có thể tăng từ 4.07 - 5.6% tùy vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 dựa trên 3 kịch bản tích cực, cơ sở và tiêu cực.

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố Báo cáo cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020. Ngoài cập nhật diễn biến và tác động của dich Covid-19 đối với kinh tế thế giới, Báo cáo còn đánh giá tác động và kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và kiến nghị một số chính sách.

Trước đây, ngày 11/02/2020, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã thực hiện Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam, với 3 kịch bản. Tại thời điểm thực hiện báo cáo đó, quy mô dịch trên thế giới và tại Việt Nam đều rất nhỏ khi mới chỉ có bùng phát tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc, lây lan sang Việt Nam với 16 ca nhiễm. Lúc đó, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng chủ yếu từ Trung Quốc, đặc biệt là thiếu nguồn cung nguyên vật liệu khiến sản xuất Việt Nam đã ngưng trệ và một phần tổng cầu (chủ yếu là ngành du lịch, xuất khẩu nông sản…). Tại báo cáo đó, tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2020 được dự báo giảm khoảng 0.83 điểm % (tương đương với tăng trưởng khoảng 6%).

Tại báo cáo đánh giá cập nhật này, tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Việt Nam đã rõ nét và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các dự báo ban đầu. Tuy nhiên, bên cạnh một số ngành, lĩnh vực thuộc khu vực sản xuất và dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và bị suy giảm sâu, nhưng một số ngành, lĩnh vực sẽ có sự cải thiện đáng kể nhờ giao dịch trực tuyến và đẩy mạnh đầu tư công.

Báo cáo được xem xét trên 3 yếu tố: Diễn biến của dịch bệnh, khả năng kiểm soát dịch và sản xuất vaccine, thuốc đặc trị chống lại virus SARS-Cov-2 của mỗi nước; mức độ phù hợp, hiệu quả từ các chính sách, gói hỗ trợ của các nước; và hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh.

Báo cáo tiếp tục đánh giá, dự báo tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam từ phía tổng cầu. Tuy nhiên, Báo cáo có bổ sung 4 thành tố khác vào mô hình lượng hóa, gồm: du lịch trong nước (trong lĩnh vực du lịch); dịch vụ khác (như xây dựng, kinh doanh bất động sản, thông tin - truyền thông, hoạt động giúp việc hộ gia đình, cung cấp nước, xử lý rác thải,…) vì những lĩnh vực này có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung và ngành dịch vụ chịu tác động mạnh; chi tiêu công khi Chính phủ thực hiện nhiều gói hỗ trợ, tăng chi tiêu công cho các dịch vụ thiết yếu (đặc biệt là dịch vụ y tế); và đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Dự báo tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam 2020 theo 3 kịch bản (cập nhật ngày 13/4/2020)

Dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam?
Nguồn: Đánh giá và tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

Ba kịch bản (cơ sở, tích cực và tiêu cực) đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam năm 2020 được cập nhật, tính toán trên 6 cơ sở: (i) Những diễn biến của dịch Covid trên thế giới và tại Việt Nam đến nay; (ii) Khả năng suy thoái kinh tế thế giới và các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...; (iii) Sự phụ thuộc và tác động trong quan hệ kinh tế (thương mại, đầu tư, du lịch,...) giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU,...); (iv) Thực tiễn cơ cấu ngành và đóng góp vào GDP của các nhóm ngành, lĩnh vực; (v) Tính toán trên cơ sở ngành/lĩnh vực có số liệu và không bị trùng lắp; và (vi) Có so sánh với trường hợp nếu không có dịch Covid-19; có tham khảo, so sánh với mục tiêu, kế hoạch các quý và cả năm 2020 theo Nghị Quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ.

Kịch bản cơ sở

Báo cáo nhận định, dịch bệnh tại Việt Nam nhiều khả năng được kiểm soát trong quý 2/2020 và các hoạt động kinh tế - xã hội sớm trở lại “bình thường” từ tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2020. Tuy nhiên, một số ngành sẽ có sự hồi phục chậm hơn do còn phụ thuộc vào diễn biến dịch trên thế giới (dự báo hết quý 3/2020), tâm lý người tiêu dùng, cũng như sự thay đổi về cấu trúc chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Theo đó, lợi nhuận ngành du lịch của Việt Nam năm 2020 dự báo giảm khoảng 35%; tiêu dùng cá nhân (bán lẻ) giảm khoảng 3% so với trường hợp không có dịch bệnh; nhưng Chính phủ tăng chi ngân sách cho các lĩnh vực, đặc biệt là y tế, ít nhất là khoảng 62 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 1%GDP (chưa kể các khoản huy động từ nguồn xã hội hóa khác). Lợi nhuận ngành vận tải - kho bãi giảm khoảng 3% (chủ yếu giảm tại phân ngành vận tải hành khách hàng không, dự báo giảm 35-40% cả năm 2020). Tương tự, doanh thu ngành tài chính - ngân hàng giảm khoảng 3%. Lĩnh vực đầu tư có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi niềm tin của nhà đầu tư phụ thuộc lớn vào diễn biến dịch, nhưng đầu tư công và đầu tư tư nhân sẽ tăng mạnh mẽ hơn và có thể có sự dịch chuyển nhẹ về đầu tư thêm cho các ngành sản xuất, dịch vụ tiêu dùng nội địa. Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu giảm khoảng 5-8%.

Với kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 giảm từ 1.8-2 điểm %, tương đương với mức tăng trưởng cả năm từ 4.81- 5.01% (trong đó, quý 1 đạt mức tăng trưởng 3.82%; quý 2 dự báo tăng 3.45-3.67%; 6 tháng đầu năm dự báo tăng 3.81-4.05%).

Kịch bản tích cực

Trường hợp các nước trên thế giới đạt được kết quả tích cực trong phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa, cách ly không bị kéo dài (đỉnh dịch tại Mỹ và châu Âu rơi vào cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, sau đó Mỹ và châu Âu có thể khống chế dịch trong tháng 6/2020), và đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát vào giữa quý 3/2020; hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm hồi phục từ cuối quý 3.

Còn tại Việt Nam, với giả định, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát cơ bản trong tháng 4/2020 hoặc giữa tháng 5/2020; hoạt động sản xuất - kinh doanh được khởi động ngay sau đó. Khi đó, doanh thu du lịch năm 2020 dự báo giảm khoảng 30% so với mức không có dịch bệnh; tiêu dùng cá nhân giảm nhẹ (-2%), song Chính phủ tăng chi tiêu công khoảng 1%. Lợi nhuận ngành vận tải - kho bãi chỉ giảm nhẹ 1-2%; đầu tư tuy có gặp khó khăn nhưng môi trường đầu tư được đảm bảo, giải ngân FDI giảm nhẹ (-1%), đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng nhẹ 2%; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giảm hơn 3%.

Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 1.4 điểm % và đạt mức 5.4-5.6%.

Kịch bản tiêu cực

Trường hợp xấu nhất, dịch bệnh bùng phát, đại dịch không được kiểm soát đến hết quý 3, bất chấp nỗ lực ứng phó của Chính phủ các nước. Còn tại Việt Nam, dịch bệnh được kiểm soát trong quý 2, nhưng chịu tác động tiêu cực từ tổng cung và tổng cầu từ bên ngoài. Khi đó, dự báo du lịch Việt Nam giảm đến 60% so với mức không có dịch bệnh; tiêu dùng cá nhân giảm mạnh (-4%) và Chính phủ tăng chi tiêu công (+2%). Lợi nhuận ngành vận tải – kho bãi giảm 10% (trong đó, vận tải hành khách hàng không giảm 65-70%); đầu tư bị giảm mạnh do tâm lý e ngại tăng, giải ngân FDI giảm từ 7-8%, đòi hỏi sự đầu tư mạnh hơn từ đầu tư công và đầu tư tư nhân nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế; xuất-nhập khẩu giảm 8-10%.

Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam giảm khoảng 2.58 điểm %, đạt mức 4.07-4.42% năm 2020.

Như vậy, tùy theo diễn biến và khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới, kinh tế Việt Nam năm 2020 theo kịch bản cơ sở có thể đạt mức tăng trưởng 4.81%-5.01% (hoặc từ 4.07% - trường hợp xấu nhất đến khoảng 5.6% - trường hợp tích cực nhất).

Kết quả lượng hóa này của Báo cáo cũng khá tương đồng với kết quả dự báo gần đây nhất (đầu tháng 4/2020) của các tổ chức quốc tế. Theo đó, World Bank (4/2020) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4.9% năm 2020 nhưng hồi phục nhanh và tăng trưởng 7.5% năm 2021 và 6.5% năm 2022. Tương tự, ADB (4/2020) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 4.8% năm 2020 và sẽ bật tăng trở lại về mức 6.8% năm 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
TS. Cấn Văn Lực

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại