Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Mặc dù hoạt động trong 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ là xuất khẩu hàng may gia dụng và bất động sản khu công nghiệp, Ban lãnh đạo CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex: HOSE: GIL) vẫn tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 150 tỷ đồng đề ra cho năm 2025, gấp 2.8 lần kết quả năm 2024.
Sáng 15/04/2025, ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của GIL đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, kế hoạch kinh doanh và ngân sách đầu tư năm 2025 cùng một số nội dung quan trọng khác.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của GIL diễn ra vào sáng ngày 15/04 đã thông qua tất cả các tờ trình
Khép lại năm 2024, GIL ghi nhận doanh thu thuần gần 711 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 26 tỷ đồng, lần lượt giảm 24% và 8% so với năm 2023.
So với kế hoạch năm đề ra, Công ty chỉ hoàn thành hơn 47% chỉ tiêu doanh thu và 26% lợi nhuận. GIL cho biết nguyên nhân chính xuất phát từ nhu cầu khách hàng sụt giảm và áp lực giảm giá cho khách hàng.
Tuy không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, GIL vẫn chốt chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương gần 102 tỷ đồng như đã dự kiến ở ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Không bị ảnh hưởng nhiều bởi thuế quan Mỹ
Sang năm 2025, Gilimex đặt mục tiêu doanh thu 1,200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, lần lượt tăng 69% và gấp 2.8 lần thực hiện năm 2024. Tỷ lệ cổ tức năm 2025 dự kiến 10%.
Nguồn: VietstockFinance
Tại đại hội, nói về cơ sở lợi nhuận 150 tỷ đồng năm 2025, bà Phạm Thị Ánh Nguyệt – Giám đốc GIL cho biết Công ty đã ký kết hợp tác với một khách hàng chiến lược từ cuối năm 2024 – đây là đối tác tiềm năng trong lĩnh vực thú nhồi bông cho trẻ em, thuộc phân khúc cao cấp, mang lại giá trị bán hàng và doanh thu lớn cho GIL.
Hiện tại, công suất mà Công ty chào bán mới chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu thực tế của khách hàng này. Từ năm 2025 và giai đoạn 3–5 năm tới, đối tác đã đề nghị Công ty nâng công suất cung ứng lên gấp 3 lần hiện nay. Với quy mô nhà máy hiện có khoảng 3,000 công nhân, Công ty đặt kế hoạch mở rộng lực lượng lao động lên khoảng 10,000 người trong vòng 3–5 năm, qua đó nâng công suất sản xuất tương ứng. Riêng năm 2025, phần công suất hiện hữu Công ty cung ứng cho khách hàng này tăng gấp đôi so với năm 2024. Do đó, với đơn hàng ổn định, nhu cầu tăng mạnh và lộ trình mở rộng rõ ràng, mục tiêu lợi nhuận 150 tỷ đồng hoàn toàn trong tầm tay.
“Chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra trong quý 1/2025, ngay cả trong trường hợp Mỹ áp thuế với hàng hóa từ Việt Nam. Nguyên nhân là bởi hoạt động sản xuất – kinh doanh của Công ty không chịu ảnh hưởng lớn, do thị phần xuất khẩu sang Mỹ hiện chỉ chiếm chưa đến 10%. Thị trường chính của chúng tôi là châu Âu, với nhóm khách hàng cao cấp, có giá trị đơn hàng cao và ít bị tác động bởi các yếu tố thuế quan.
Theo bà Nguyệt, để đáp ứng đơn hàng từ đối tác trên, Công ty sẽ đầu tư phát triển mở rộng thêm nhà máy mới với giá trị tối đa 520 tỷ đồng thông qua mua cổ phần hoặc mua tài sản hiện hữu tại tổ chức khác với tỷ lệ sở hữu từ 51-100%.
Liên quan đến vụ kiện với Amazon, bà Nguyệt cho biết dự kiến trong quý 3 năm nay Công ty sẽ thu hồi được phần tổn thất từ tranh chấp này.
Khả năng trả gốc và lãi vay ngân hàng 3,000 tỷ đồng
Về kế hoạch đầu tư, năm nay Gilimex dự kiến ngân sách cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh đạt 1,100 tỷ đồng và vay ngân hàng 3,000 tỷ đồng để tài trợ vốn hoạt động.
Bà Nguyệt cho biết khoản vay ngân hàng 3,000 tỷ đồng là vay thế chấp tài sản hình thành tương lai. Khoản vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Vĩnh Long, Huế và các dự án khác thuộc hệ thống khu công nghiệp đang triển khai. Lãi suất của khoản vay này đang được áp dụng ở mức ưu đãi và Công có khả năng trả đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn theo quy định ngân hàng.
Thuế quan Mỹ là thách thức nhưng cũng là cơ hội
Theo ông Hoàng Tiến Đạt – Tổng Giám đốc CTCP Khu Công nghiệp Gilimex: “Nếu nói tình hình hiện nay thuế quan Mỹ không gây ảnh hưởng là không chính xác, tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi chưa ghi nhận tác động tiêu cực rõ ràng nào.
Ông Đạt đánh giá nếu hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư không liên quan trực tiếp đến nhóm hàng hóa bị áp thuế, thì Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ chính sách xúc tiến và hỗ trợ đầu tư rõ ràng.
“Trong hai tuần vừa qua, dù có những lo lắng nhất định, nhưng thực tế là chúng tôi vẫn tiếp đón được nhiều khách hàng tiềm năng – đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam và khu vực miền Trung vẫn là lựa chọn ưu tiên trong mắt các nhà đầu tư.
“Trong thời gian tới, đặc biệt là trong 90 ngày đàm phán, nếu Việt Nam có những chính sách phù hợp và chủ động đàm phán hiệu quả thì sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng để sẵn sàng đón tiếp nhà đầu tư khi họ ra quyết định”, ông Đạt nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường