menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Phượng

Đèo Cả muốn rút khỏi dự án Hữu Nghị - Chi Lăng?

Tuyến cao tốc cụt Bắc Giang - Lạng Sơn đang đứng trước nguy cơ bị đóng băng, khi nhà đầu tư tỏ ra không mấy mặn mà với dự án.

Tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội lên Lạng Sơn dài 110 km bao gồm 2 dự án là Hà Nội - Bắc Giang dài 45,8 km và Bắc Giang - Lạng Sơn (kết thúc tại huyện Chi Lăng) dài 64 km dù đã hoàn thành vẫn được xem là một kết thúc “chơi vơi”, khi chỉ còn cách thành phố Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 45 km, khiến đoạn đường nối đến 2 đầu mối giao thông và giao thương quan trọng cuối tuyến vẫn phải đi “mượn” tuyến Quốc lộ 1.

Nhà đầu tư dự án đã nhiều lần gửi văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền bày tỏ lo ngại về việc bị “đứt gãy” của một tuyến giao thông quan trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cũng như toàn tuyến cao tốc và thiếu cơ sở để triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) kết nối hai cửa khẩu lớn ở khu vực phía Bắc.

Dự án khép kín toàn tuyến (cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) đã được lên phương án trong một thời gian khá dài và đến nay đã hội tụ các điều kiện thuận lợi để triển khai nhưng theo tìm hiểu, hiện “nút thắt” vẫn là sự chậm trễ nằm ở vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Lạng Sơn. Điều này khiến nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả đã có ý định rút khỏi liên danh đầu tư xây dựng dự án.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, “Chính phủ giao trình duyệt dự án từ tháng 1/2021. Đến tháng 3, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn tham mưu phương án kéo dài thời gian thu phí lên gần 40 năm. Tháng 5/2021 thấy được sự không hợp lý của phương án, UBND tỉnh đã bác phương án này và trình lại một phương án khác. Bây giờ đã là tháng 10/2021 mà dự án vẫn chưa được phê duyệt. Tình trạng này đã làm giảm sút niềm tin của ngân hàng cấp tín dụng, giảm sút tính khả thi thực hiện dự án, nhiệt huyết của nhà đầu tư như chúng tôi và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của vùng…”.

Ông Trần Văn Thế cũng thông tin thêm về một số vướng mắc tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn như giảm đi 1 trạm thu phí, miễn giảm cho gần 10.000 phương tiện… vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nên Đèo Cả đang phải tính đến phương án rút lui để dành sự tập trung cho những dự án khác.

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nối từ điểm “cụt” cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đến thành phố Lạng Sơn và các cửa khẩu quan trọng của tỉnh Lạng Sơn được nhiều chuyên gia đánh giá mang tính cấp bách để khai thông tình trạng vô lý của “đường cụt”. Logic đầu tư và phát triển đòi hỏi nhiệm vụ này phải được khẩn trương triển khai, càng sớm càng tốt, để giải quyết tính hợp lý, đồng bộ.

Bàn về vấn đề này, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, xây dựng tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Lạng Sơn đơn giản là xác định kết nối Hà Nội tới các cửa khẩu quan trọng của đất nước. Tiếp theo là gì khi đã liên thông đến cửa khẩu? Mục đích của giao thông không đơn thuần chỉ là kết nối mà là tạo động lực lan tỏa cho phát triển. Điều đó giải thích tại sao nguyên lý của giao thông là “đồng bộ”.

"Tôi cho rằng mục tiêu chiến lược của tuyến này là giải quyết vấn đề kết nối – đồng bộ, tạo động lực phát triển; để trên cơ sở đó, lan tỏa phát triển ra các địa phương khác trong vùng Đông Bắc, đến Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu… và quốc tế chứ không thể chỉ giới hạn trong phạm vi của tỉnh Lạng Sơn. Nếu chúng ta không xử lý đồng bộ, thì vấn đề sẽ trở thành điểm tắc nghẽn lớn của phát triển", PGS-TS. Trần Đình Thiên nói.

Nhìn nhận về việc nhà đầu tư đơn phương kiến nghị tháo gỡ vướng mắc và sẵn sàng rút lui khi cảm thấy dự án không khả thi, PGS-TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh là yêu cầu hàng đầu của bất cứ nhà đầu tư nào, và vì vậy, việc nhà đầu tư Đèo Cả xin rút lui khỏi dự án khi không nhìn thấy hiệu quả của dự án là điều rất bình thường.

"Trên quan điểm như vậy, tôi cho rằng, cần giải quyết các tồn tại của Dự án Bắc Giang – Lạng Sơn; đồng thời cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm phê duyệt FS nhằm chọn nhà đầu tư bằng một cơ chế rõ ràng, minh bạch là điều cần làm đối với Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng lúc này, có như thế mới hy vọng đẩy nhanh được tiến độ dự án”, PGS-TS. Dương Đăng Huệ nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại