menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Irina Phạm

Đặt mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025: Khả thi đến đâu?

Đầu năm 2021, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, mục tiêu đặt ra là phấn đấu vào năm 2025 cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu này không khả thi.

Làm theo phong trào sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su TPHCM cho rằng, mục tiêu để có 1,5 triệu doanh nghiệp không phụ thuộc vào ý chí của nhà quản lý. Nếu kinh tế thuận lợi, doanh nghiệp sẽ được thành lập còn điều kiện khó khăn, làm sao lập được. “Giờ cứ phát triển, lập doanh nghiệp theo phong trào rồi không vận hành được sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ xấu. Tôi còn nhớ năm 2015, cả nước có Nghị quyết thành lập 1 triệu doanh nghiệp, trong đó, TPHCM đăng ký 500 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Ngay lúc đó, tôi thấy không khả thi, bởi điều kiện doanh nghiệp sống được, tồn tại được rất khó. Thực tế, đến năm 2020 chúng ta không đạt được con số đó. Sang năm 2021, doanh nghiệp giải thể nhiều”, ông Quốc Anh nói.

Theo ông Quốc Anh, doanh nghiệp được thành lập mới mấu chốt là điều kiện kinh doanh có tốt không? Như với ngành nông nghiệp, điều kiện kinh doanh tiên quyết là vốn, mặt bằng. Bên cạnh đó, đầu ra rất quan trọng, nếu không có, sao có thể thành lập doanh nghiệp được. Hay với ngành dịch vụ, như nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp còn đang vô cùng khó khăn, bởi ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đến nay chưa thể hồi phục ngay. “Trong vòng 4 năm nữa, mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp là không khả thi”, ông Quốc Anh nhận định.

Ông Quốc Anh cho rằng, điều cần nhất hiện nay là cơ quan quản lý nên tạo các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh sao cho tình hình tốt lên. Khi đó doanh nghiệp sẽ mở rộng. Còn cứ luẩn quẩn không vượt qua được khó khăn như hiện nay thì sẽ không ai dám sản xuất kinh doanh thêm. “Với ngành công nghiệp cao su, khó khăn họ đang gặp phải bởi sức mua thấp. Sau giai đoạn giãn cách, người dân mất thu nhập không có nhu cầu mua sắm. Ví dụ, giờ không có tiền thì họ không thay lốp xe và vẫn dùng lốp cũ. Chưa kể giá nguyên vật liệu đang ở chu kỳ tăng giá, đặc biệt sau dịch rất nhiều chi phí như vật tư, vận tải, đảm bảo y tế cho nhà máy... bị tăng giá. Điều này làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút”, ông Quốc Anh nói.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, 4 năm nữa mục tiêu trên cũng khó đạt được. Điều này dễ thấy bởi theo dự báo, trong 4 năm tới, các doanh nghiệp trong ngành sẽ không có sự đột biến do hiện tại công suất của các doanh nghiệp đã đạt đến ngưỡng tương đối, nguyên liệu, tăng trưởng ở mức vừa phải. Đặc biệt, nhu cầu thị trường chỉ tăng 5% mỗi năm.

“Doanh nghiệp thuỷ sản chủ yếu xuất khẩu, tiêu thụ nội địa rất ít. Không ai thành lập doanh nghiệp thuỷ sản mới chỉ để bán cho thị trường nội địa trong khi thói quen của người dân trong nước là ăn hải sản tươi. Doanh nghiệp ra đời, chưa thấy hiệu quả lại mất thêm chi phí để làm đông lạnh rồi lại mất công rã đông sản phẩm bán cho dân”, ông Hoè nói.

Ưu tiên hỗ trợ phục hồi thay vì thành lập mới

Đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, phần lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường từ đầu năm đến nay là do tác động của dịch COVID-19. Do đó, cần sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vừa được Quốc hội thông qua, đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. Đây được cho là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh dịch bệnh, sản xuất kinh doanh khó khăn, thời gian phong tỏa kéo dài vừa qua khiến tình hình đăng ký doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng so với những năm trước. Theo số liệu thống kê cập nhật của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 10 tháng của năm 2021, bình quân mỗi tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính đến hết năm 2020, Việt Nam mới có khoảng 810 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, để đạt được mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm phải có khoảng 140 nghìn doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.

Nghị quyết Quốc hội đưa ra Quyết định cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đặt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Đến năm 2025, tối thiểu 5 - 10 trong số các sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện vị thế của ngành trên chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% cũng nằm trong chỉ tiêu chung của kế hoạch.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, mục tiêu này sẽ không thực hiện được nếu Việt Nam vẫn giữ quan điểm về doanh nghiệp như hiện nay. “Việt Nam phải quay trở lại với quan niệm chung của thế giới. Doanh nghiệp được hiểu là các thực thể trong nền kinh tế, tiến hành đầu tư, nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Vậy cần để thực thể nào làm việc đó. Đây là khái niệm chung của thế giới, doanh nghiệp một chủ hiện phổ biến tại nhiều nền kinh tế lớn”, ông Lộc phân tích. Theo ông Lộc, với quy mô nền kinh tế, GDP, dân số hiện nay, sau gần 40 năm đổi mới, không thể tính theo cách hiện nay là Việt Nam mới chỉ có hơn 800 nghìn doanh nghiệp. Nếu tính cả số hộ kinh doanh 5,6 triệu và 800 nghìn doanh nghiệp, Việt Nam đang có trên 6 triệu thực thể kinh doanh. Ông Lộc đề xuất, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Tuy nhiên, Chủ tịch VIAC cho rằng, chất lượng, cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế mới là điều quan trọng, chứ không phải số lượng.

Chính sách chỉ thúc đẩy tăng trường số lượng là không chuẩn trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mới, nhấn mạnh đến chất lượng, phát triển bền vững. “Chúng ta có quá ít doanh nghiệp quy mô lớn và vừa. Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam thiếu khu vực doanh nghiệp vừa. Nền kinh tế nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mà thiếu đi những doanh nghiệp đủ lớn để đảm bảo hiệu quả, đủ nhỏ để linh hoạt”, ông Lộc chỉ rõ.

Ông Lộc cũng cho rằng, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại lớn” vì nhiều lý do. “Doanh nghiệp mới thành lập hôm trước, hôm sau đã có cơ quan quản lý xuất hiện rồi. Thậm chí có doanh nghiệp cho biết, chưa treo biển đã có cơ quan đến. Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao họ thích là hộ kinh doanh, không muốn lớn. Điều cần làm lúc này là tạo cơ chế thích hợp để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển, thủ tục hành chính, chi phí, thanh tra, kiểm tra đơn giản, minh bạch”, ông Lộc đề xuất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại