menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tuấn

Cuộc sàng lọc trên thị trường mặt bằng cho thuê: Chuyện Thế Giới Di Động chỉ là khởi đầu...

Covid khiến giá thuê mặt bằng giảm mạnh trong thời gian qua.

Tối ưu chi phí vận hành bằng cách cắt giảm những mặt bằng hoạt động không hiệu quả đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) tại TP.HCM, mà câu chuyện Thế Giới Di Động "dứt tình" với chủ mặt bằng cho thuê có lẽ chỉ là khởi đầu...

Sẵn sàng trả mặt bằng không hiệu quả

Với doanh thu gần như bằng 0 trong suốt gần 4 tháng giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ tại TP.HCM đã buộc phải đóng cửa, còn các chuỗi kinh doanh lớn phải đánh giá lại hiệu quả của từng mặt bằng, tối ưu hóa chi phí kinh doanh.

Trước một ngày TP.HCM áp dụng Chỉ thị 18 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc nới lỏng giãn cách xã hội, chuỗi cà phê Starbucks Việt Nam thông báo đóng cửa vĩnh viễn Starbucks Rex - một cửa hàng lâu năm nằm trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) và không đưa ra lý do.

Hình thức kinh doanh của chuỗi cà phê này dựa trên khả năng tạo ra không gian và dịch vụ tại quán, nhưng nguyên tắc 5K trong phòng chống Covid-19 khiến mô hình này buộc phải thay đổi. Starbucks bắt đầu tập trung nhiều hơn vào bán hàng mang đi, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử.

Song như vậy là chưa đủ để giữ mối liên kết với khách hàng, khi chuỗi bán đồ uống ở phân khúc cao cấp này luôn theo đuổi mục tiêu “tất cả cả thức uống của Starbucks sẽ được phục vụ tận tay khách hàng ngay tại quầy”, trong khi việc phục vụ khách tại chỗ vẫn bị hạn chế.

Với chuỗi cà phê The Coffee House, thương hiệu này mới đây cũng thông báo đóng cửa một cửa hàng trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3). Ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc điều hành The Coffee House cho biết, đây là một trong những động thái nhằm tối ưu chi phí vận hành trong mùa dịch, đồng thời chuẩn bị cho mô hình mới thời gian tới mang tên The Coffee House Now.

Trong tổng số 180 cửa hàng trên toàn quốc, The Coffee House có 72 cửa hàng hoạt động lại theo mô hình giao nước mang đi và đóng hẳn 30 cửa hàng không có hiệu quả để giảm chi phí.

“Những mô hình giao hàng, bán mang đi, phục vụ tại nhà và văn phòng sẽ trở thành xu hướng trong bình thường mới. Điều này buộc các chuỗi phải đánh giá lại sản phẩm, kênh bán hàng cũng như tổ chức chuỗi cung ứng sao cho phù hợp”, ông Nam Anh nói.

Không chỉ các doanh nghiệp trong ngành F&B, mà các chuỗi cửa hàng bán lẻ khác như Thế giới di động, CellphoneS, FPT Retail… cũng bắt đầu tái cấu trúc lại các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện FPT Retail cho biết, kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên, FPT Retail đã đàm phán với bên cho thuê để giảm giá thuê trong suốt thời gian giãn cách trên tinh thần cảm thông và hướng đến hợp tác lâu dài.

“Với hệ thống bán lẻ sở hữu lượng cửa hàng lớn, các loại mặt bằng thuê của FPT Retail rất đa dạng, khác nhau về chủ sở hữu, cách thức hợp tác…, thế nên với mỗi loại hình, chúng tôi sẽ có những điều khoản hợp tác khác nhau theo nguyên tắc chung là luôn tôn trọng đối tác và cân bằng lợi ích giữa các bên”, vị đại diện FPT Retail nói và chia sẻ thêm, trường hợp không thể đàm phán thì sẵn sàng đóng cửa hàng để tiết giảm chi phí.

“Tuy nhiên, rất may là đến hiện tại chúng tôi chưa phải thực hiện biện pháp này”, vị đại diện này chia sẻ thêm.

Cuộc sàng lọc trên thị trường mặt bằng cho thuê: Chuyện Thế Giới Di Động chỉ là khởi đầu...
Doanh nghiệp ngành F&B điêu đứng vì dịch. Ảnh: Trọng Tín

Cuộc sàng lọc lớn

Việc giãn cách kéo dài khiến giá thuê mặt bằng giảm mạnh thời gian qua. Báo cáo mới đây của của JLL Việt Nam cho biết, giá thuê trung bình của các trung tâm thương mại lớn điều chỉnh về mức 30,7 USD/m2/tháng, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Hầu hết chủ các khu thương mại tiếp tục miễn giảm tiền thuê kéo dài từ quý II sang quý III năm nay để hỗ trợ khách hàng mùa dịch. Giao dịch cho thuê giảm mạnh khiến một số trung tâm thương mại tiếp tục trì hoãn kế hoạch khai trương, cho dù đã hoàn thành việc xây dựng.

JLL Việt Nam dự báo, trong những tháng cuối năm, nhiều khả năng giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại sẽ có sự biến động khi giai đoạn hỗ trợ giảm giá mùa dịch khép lại. Kế hoạch khai trương những trung tâm bán lẻ mới trong quý cuối năm 2021 sẽ được dời sang đầu năm 2022 do không đạt được tỷ lệ lấp đầy yêu cầu.

Với nhà phố mặt tiền, báo cáo về mặt bằng bán lẻ mới nhất của Savills Việt Nam cho hay, ngoại trừ các cửa hàng tiện lợi, nhà phố cho thuê chịu ảnh hưởng nặng nề khi tất cả buộc phải đóng cửa suốt quý III/2021, nhiều chủ nhà chấp nhận mức giảm giá thuê đến 50% sau thời gian dài mặt bằng bị bỏ trống để tìm khách mới nhưng không hiệu quả. Nhà phố tại các tuyến đường ở khu ngoài có mức giảm giá thuê mạnh hơn so với khu trung tâm.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills TP.HCM cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp F&B bắt đầu có sự sàng lọc, nhất là với những đơn vị kinh doanh theo chuỗi có hệ thống mặt bằng lớn.

“Họ đã cắt giảm những mặt bằng hoạt động không hiệu quả và chỉ giữ lại những điểm bán đảm bảo nguồn doanh thu tốt. Tất nhiên trong thời gian này, doanh thu của họ không được như giai đoạn từ tháng 4/2021 trở về trước”, bà Trang nói.

Theo bà Trang, các doanh nghiệp F&B lớn đang có xu hướng đánh giá lại, từ đó giảm lượng cửa hàng trong hết năm 2021 và đưa ra chiến lược cho các năm sau bởi diễn biến của dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp và khó đoán.

“Đây là trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp phải lên các kịch bản để ứng phó. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh chuyển đổi từ bán hàng trực tiếp sang trực tuyến để giữ được khách hàng trung thành”, bà Trang cho hay.

Ông Nguyễn Hoàng Tiễn, nhà sáng lập thương hiệu Coffee Bike đánh giá, xu hướng trả mặt bằng tiếp tục diễn ra nhằm giảm gánh nặng chi phí vận hành. Các thương hiệu đã có thời gian thử nghiệm bán hàng qua các kênh trực tuyến trong hơn 4 tháng giãn cách ở nhiều mức độ. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh hơn nữa việc bán hàng qua các kênh thương mại điện tử nhằm tiếp tục phục vụ nhu cầu tự pha tại nhà.

“Rất khó để dự đoán về khả năng phục hồi của thị trường bán lẻ khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và tỷ lệ người dân được tiêm 2 mũi vắc-xin tại Việt Nam còn chưa cao. Thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi nên việc các chuỗi đua nhau mở cửa hàng như trước đây sẽ khó diễn ra trong 6 tháng đến 1 năm tới”, ông Tiễn nhận định

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại