menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trọng Vinh

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (12/4): VSC, VIB và SZC

VCBS kỳ vọng VSC sẽ tăng trưởng tốt cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong năm 2022 nhờ diễn biến tích cực tại cảng VIP Green, cảng VIMC Đình Vũ và chiến lược M&A hướng đến xây dựng một doanh nghiệp ngành logistics hàng hải có quy mô lớn, bao phủ các mắt xích trong chuỗi dịch vụ từ 2-3 năm tới.

VCBS: Khuyến nghị mua VSC, giá mục tiêu 62.965 đồng/cổ phiếu

Năm 2021, Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship, HoSE: VSC) ghi nhận doanh thu thuần 1.892 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 414 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 40% so với thực hiện năm trước.

Trong năm, VSC hưởng lợi từ sự phục hồi đà tăng trưởng của sản lượng hàng hóa và nhu cầu logistics khu vực Hải Phòng; áp lực cạnh tranh tại khu vực xung quanh các cảng của VSC (GreenPort và VIP Green) không còn nhiều; và doanh thu dịch vụ logistics ngoài cảng (depot, vận tải, lưu kho) rất lạc quan.

Bên cạnh đó, chi phí dịch vụ mua ngoài tiếp tục duy trì ở mức thấp khi doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể hiệu quả vận hành và điều phối tàu vào cảng, do đó hạn chế chuyển tải tới cảng PTSC Đình Vũ và cũng là động lực tăng cho lợi nhuận năm 2021.

Bước sang 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng VSC sẽ tăng trưởng tốt cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, triển vọng tới từ diễn biến tích cực tại cảng VIP Green, cảng VIMC Đình Vũ và chiến lược M&A hướng đến một holdings trong ngành logistics hàng hải của doanh nghiệp.

Cụ thể, VCBS cho rằng cảng VIP Green sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2022 khi áp lực cạnh tranh tại khu vực xung quanh cảng không còn nhiều, đồng thời hưởng lợi từ tăng trưởng sản lượng hàng hóa tại Hải Phòng; chuyển dịch mục đích hoạt động của nhóm cảng thượng nguồn và nguồn hàng từ cổ đông chiến lược.

Đối với cảng VIMC Đình Vũ (Vinalines Đình Vũ), VSC đã hoàn tất mua lại 36% cổ phần cảng này trong năm 2021. Cảng dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ quý III năm nay và kỳ vọng mang đến động lực đáng kể cho lợi nhuận của VSC, cùng với đó gia tăng hiệu quả vận hành hệ thống cảng các năm tới.

Mặt khác, thời gian qua VSC đang nhanh chóng thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) và tiến tới xây dựng một holdings ngành logistics hàng hải quy mô lớn và bao phủ phần lớn các mắt xích của chuỗi dịch vụ trong vòng 2-3 năm tới.

Trong đó, doanh nghiệp có kế hoạch trong năm 2022 thực hiện tăng góp vốn tại công ty con GLC (TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh) nhằm thực hiện mua lại cảng cạn Quảng Bình – Đình Vũ (Hải Phòng), nhiều khả năng sẽ hợp nhất kết quả kinh doanh từ quý III.

Tiếp nối thương vụ ở cảng VIMC Đình Vũ, VSC cũng có tham vọng tham gia góp vốn đầu tư một cảng nước sâu khu vực Lạch Huyện với tỷ lệ sở hữu ít nhất 36%. Song song với đó, quá trình gia tăng hợp tác và tham gia quản trị của các cổ đông lớn là các doanh nghiệp logistics trên địa bàn Hải Phòng, VSC định hướng đẩy mạnh phát triển hạ tầng hậu cần logistics trên địa bàn để phát huy lợi thế chuỗi.

VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của VSC đạt 2.200 tỷ đồng (tăng 16,3% cùng kỳ), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 414 tỷ đồng (tăng 18,2% cùng kỳ), tương ứng với EPS là 3.759 đồng. Từ đó, công ty chứng khoán này duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VSC với mức định giá hợp lý là 62.965 đồng/cổ phiếu, triển vọng sinh lời 50%.

PHS: Khuyến nghị mua cổ phiếu VIB với triển vọng tăng giá 20%

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022, với nhiều tờ trình quan trọng được thông qua.

Theo đó, VIB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 31,1% so với thực hiện năm 2021, lên 10.500 tỷ đồng; tổng tài sản, dư nợ tín dụng và huy động vốn tăng 30% cùng kỳ, lần lượt ở mức là 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng, và 280.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VIB đặt mục tiêu giai đoạn 2022 - 2026 với 10 triệu khách hàng; tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kép đạt 30%/năm; vốn hóa thị trường đạt trên 14 tỷ USD.

Các mục tiêu tăng trưởng này dựa trên cơ sở kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế, dư địa tăng trưởng lớn của mảng bán lẻ, quá trình chuyển đổi sang mô hình bán lẻ hiện đại.

Ngân hàng cho biết mục tiêu 10 triệu khách hàng là khả thi, trong bối cảnh mảng ngân hàng bán lẻ có nhiều khả năng phát triển hơn khách hàng doanh nghiệp; các sản phẩm như cho vay, huy động tiền gửi, bảo hiểm là chủ đạo để phát triển cơ sở khách hàng; phát triển kênh bán hàng truyền thống và kênh ngân hàng số, kết hợp với cơ sở khách hàng của đối tác; các chiến lược marketing và đội ngũ nhân viên bán hàng được đào tạo và tạo động lực về lương thưởng.

Ngân hàng cũng dự định đầu tư mạnh mẽ vào ngân hàng số, với việc áp dụng Big Data, AI và machine learning để tạo ra các sản phẩm mang tính cá nhân hóa... VIB kỳ vọng nửa đầu năm 2022 sẽ cho ra mắt công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR).

Năm 2022, VIB có kế hoạch tăng vốn lên 21.076 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,7% từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Như vậy tổng số vốn tăng thêm là 5.545 tỷ đồng, sẽ được dùng để cấp tín dụng và đảm bảo hệ số an toàn vốn; đầu tư tài sản thanh khoản; đầu tư công nghệ và quản trị rủi ro và đầu tư mở rộng chi nhánh.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, năm 2022, nền kinh tế phục hồi sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng tư nhân. Nhờ áp dụng chuyển đổi số mà VIB có thể phát triển các sản phẩm thẻ nhanh chóng, nắm bắt xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày một gia tăng và phục hồi tiêu dùng sau đại dịch.

Hơn nữa, dù Ngân hàng Nhà nước chủ trương siết chặt tín dụng đầu cơ bất động sản trong năm nay, nhưng khuyến khích tín dụng bất động sản phục vụ đời sống.

Do đó, PHS dự phóng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 của VIB đạt 29,3% so với cùng kỳ. Dưới áp lực tăng lãi suất huy động trong khi lãi suất cho vay giảm, ước tính biên lãi ròng (NIM) của VIB sẽ thu hẹp 8 điểm cơ bản so với năm 2021, còn 4,34%.

PSH cũng ước tính thận trọng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2022 của VIB sẽ tăng 45,2% cùng kỳ, lên 2.320 tỷ đồng.

Dù vậy cũng kỳ vọng quá trình chuyển đổi số (thông qua MyVIB 2.0, MyVIB iSME, VIB Ver3e...) trong các năm qua sẽ tiếp tục mang lại lợi ích mạnh mẽ cho VIB thông qua việc mở rộng thị phần cho vay bán lẻ, gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn, giảm chi phí hoạt động và chi phí sử dụng vốn.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư và P/B, PHS nâng giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu VIB là 54.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20% so với thị giá hiện tại và khuyến nghị mua.

SSI: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu SZC

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, năm 2022, nhu cầu thuê đất của các khách hàng lẻ sẽ tăng trở lại sau khi Việt Nam mở cửa giúp các hợp đồng đã ký MOU trong năm 2021 sẽ hoàn tất trong năm 2022.

Ngoài ra, nhu cầu thuê đất sẽ tăng lên nhờ sự chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và sự phát triển cơ sở hạ tầng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giúp giá thuê đất tại khu công nghiệp Châu Đức tăng 5 - 8%/năm trong giai đoạn 2022 - 2025.

Tuy nhiên, SSIcho rằng việc tăng tổng mức đầu tư từ mức 4.890 tỷ đồng lên 8.001 tỷ đồng để đền bù phần đất còn lại 280ha sẽ làm giảm đến biên lợi nhuận trong thời gian tới.

Vì thế, SSI khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu SZC của Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức với giá mục tiêu 70.500 đồng/cổ phiếu khi điều chỉnh tăng giá thuê tại khu công nghiệp Châu Đức và tăng giá bán đất tại khu dân cư, tăng tổng mức đầu tư tại khu công nghiệp Châu Đức.

Nhìn lại quý IV/2021, SZC ghi nhận doanh thu thuần 144 tỷ đồng, tăng 108% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong quý, doanh thu thuê đất khu công nghiệp Châu Đức tăng 198% cùng kỳ, chủ yếu từ 8,89ha cho D2D thuê vào tháng 10/2021 với doanh thu 110 tỷ đồng (chiếm 78% doanh thu khu công nghiệp).

Tuy nhiên, hoạt động thu phí vẫn chưa hoạt động trở lại. Nhờ biên lợi nhuận gộp hoạt động thuê đất duy trì ở mức cao, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 187% so với quý IV/2020, đạt trên 68 tỷ đồng.

Năm 2022, với những dự báo khả quan, SSI ước tính doanh thu của SZC đạt 900 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm ngoái, diện tích cho thuê đạt 50ha (giảm 6,6%). Thế nhưng, chi phí đền bù trung bình tăng 54% cùng kỳ, nên lợi nhuận sau thuế ước đạt 301 tỷ đồng, thấp hơn 7,12% thực hiện năm 2021.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tăng mạnh tổng mức đầu tư từ năm 2022 cho phần đền bù còn lại. Cụ thể, SZC đã thực hiện lấy ý kiến cổ đông thông qua việc tăng tổng mức đầu tư từ 4.900 tỷ đồng lên 8.001 tỷ đồng, để đền bù giải tỏa phần diện tích còn lại 280ha. SSI cho rằng việc tăng mạnh chi phí đầu tư dẫn đến biên lợi nhuận giảm dần trong 2 - 3 năm tới.

SZC cũng vừa phê duyệt tổng mức đầu tư khu dân cư Châu Đức là 8.116,9 tỷ đồng, tổng diện tích dự án 650ha. Dự toán dự án sẽ đem lại doanh thu 14.469 tỷ đồng và 4.628 tỷ đồng lợi nhuận. SSI đánh giá tích cực đẩy mạnh đầu tư khu dân cư Châu Đức với kỳ vọng thay đổi hạ tầng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ảnh hưởng tích cực đến giá bán khu dân cư Châu Đức trong tương lai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
24 Yêu thích
7 Bình luận 36 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại