menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Oanh

Cổ phiếu ăn theo EVFTA không dễ

Ngay sau khi thông tin EVFTA được ký kết, thị trường chứng khoán ngay lập tức xác lập nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ hiệp định này. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng nhà đầu tư (NĐT) không nên vội mua vào vì sự sôi động của cổ phiếu đã có tác động từ nhóm đầu cơ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn thì nhóm cổ phiếu dệt may được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Theo lộ trình cam kết giảm thuế của EVFTA, những ngành hàng khác cũng được hưởng lợi tương tự gồm: logistics, xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp…

Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), trong khi các DN ngành dệt may kỳ vọng sẽ được giảm thuế nhanh sau khi EVFTA có hiệu lực, song trên thực tế việc giảm thuế các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ. Cụ thể, để sản phẩm may mặc được miễn thuế thì phải thỏa mãn 2 điều kiện: vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU; việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU.

Thế nhưng không phải DN dệt may nào của Việt Nam cũng thỏa mãn được các điều kiện này bởi phần lớn các DN Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi. Hiện nguyên liệu (vải) các DN dệt may Việt Nam đa phần có xuất xứ từ Đài Loan và Trung Quốc, là những nước chưa có FTA với EU. Do vậy, để có thể tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, các DN Việt buộc phải chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho các DN may - cắt. Ngoài ra, các DN có thể tận dụng khi EVFTA ký kết, nhập khẩu các nguyên vật liệu (đặc biệt là vải) có xuất xứ từ châu Âu, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm.

Tương tự dệt may, nhóm sản phẩm giày dép EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Hiện tại, nhóm này đang chịu mức thuế ưu đãi trung bình 3-4% theo GSP. Khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12,4%) theo lộ trình 3-7 năm. Như vậy, trong vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày da sẽ chưa có lợi từ EVFTA, thậm chí là bị ảnh hưởng bất lợi, do mức thuế giảm dần đều từ mức 12,4% vẫn sẽ cao hơn mức 3-4% theo GSP.

Ở ngành logistics, hiện có rất nhiều NĐT tin rằng EVFTA có hiệu lực mang lại lợi ích kép cho cổ phiếu ngành này. Nguyên do, cách đây không lâu, cổ phiếu ngành đã sôi động do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể giúp Việt Nam tăng khả năng giành thị phần từ Trung Quốc như một trung tâm sản xuất do sở hữu nguồn lao động tương đối rẻ.

Trong báo cáo của CTCK VDSC cũng nhận định rằng, xu hướng này có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu vận chuyển quốc tế từ Việt Nam, do đó cũng tăng cường lượng container thông quan, do các sản phẩm này chủ yếu được vận chuyển qua đường biển. Hơn nữa, hiệp định cũng khiến giá mua các phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics nhập khẩu từ EU giảm do cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam.

Tuy nhiên, NĐT nên để ý hiện nay, ngành logistics trong nước còn đang tồn tại rất nhiều bất cập. Ví dụ, các DN Việt còn phụ thuộc quá nhiều vào FDI nên nếu hoạt động của các DN FDI trở nên trì trệ thì ngành này cũng bị ảnh hưởng. Chưa kể, một số lượng đáng kể các DNNN trong lĩnh vực logistics kinh doanh chưa hiệu quả, năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh hạn chế… Nếu bản thân DN không tự cải thiện thì không cách nào tận dụng được cơ hội từ EVFTA một cách triệt để. Từ đó, giá trị cổ phiếu cũng không thể tăng trưởng như kỳ vọng.

Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản công nghiệp với đặc trưng là hoạt động cho thuê khu công nghiệp tại Việt Nam, khi nhu cầu cho thuê ghi nhận tăng vọt từ giữa năm ngoái và duy trì ở mức cao trong năm 2019. Giới phân tích cho rằng những đơn vị như Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Tổng công ty Viglacera (VGC) là hai DN có khả năng có cơ hội nhiều nhất trong xu hướng này. Thế nhưng, ngành này cũng phụ thuộc rất lớn vào DN FDI, trong khi dòng vốn FDI đang chững lại do những bất ổn toàn cầu. Đồng thời, chi phí dịch chuyển sản xuất tăng vọt cũng khiến việc thu hút vốn đầu tư không còn sáng sủa như trước. Mặt khác, thay đổi về quy định, chính sách có thể dẫn đến trì hoãn cho thuê và chi phí đền bù tăng cao liên tục diễn ra trong ngành này…

Có thể nói, EVFTA đã mở ra một cơ hội lớn cho nhiều ngành sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, NĐT cũng nên tỉnh táo trước những biến đổi của cổ phiếu để có thể lựa chọn thời điểm vào, ra đúng thời điểm, tránh bị nhóm đầu cơ làm nhiễu giá trị cổ phiếu lúc này…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại