menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Chứng khoán "nhảy số", "nóng" thao túng giá cổ phiếu: Chính phủ đề cập thế nào trong báo cáo gửi Quốc hội?

Theo báo cáo của Chính phủ, một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư; tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng và thị trường tài chính nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt.

Báo cáo kết quả thực hiện tình hình kinh tế xã hội (KTXH) năm 2021 – 2022 được gửi Quốc hội ngày 20/5 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ký, thừa ủy quyền Thủ tướng.

Năm 2021, 5/12 chỉ tiêu KTXH không đạt mục tiêu

Bộ trưởng cho biết, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi tích cực như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%);

Chứng khoán "nhảy số", "nóng" thao túng giá cổ phiếu: Chính phủ đề cập thế nào trong báo cáo gửi Quốc hội?

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 trong báo cáo gửi tới Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Nguyên nhân, số thu NSNN đạt khá trong quý I và quý IV (thu quý I đạt 31,8% dự toán, quý IV đạt 35,8% dự toán) là do một số ngành, lĩnh vực (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, sản xuất sắt thép, ô tô...) được hưởng các chính sách tài khóa, tiền tệ đã triển khai, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phát sinh lợi nhuận tăng đột biến, tăng thu cho NSNN.

Đồng thời, do dự toán thu năm 2021 được xây dựng trình Quốc hội vào thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3, nên mức dự toán NSNN nói chung và của từng địa phương có phần thận trọng. Bên cạnh đó, phát sinh một số khoản thu đột biến ngoài dự kiến khi xây dựng dự toán.

Trong khi đó, bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội ước trong phạm vi dự toán là 343,67 nghìn tỷ đồng, tương ứng 4% GDP);

Xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2-3,4%). Kết quả này có được chủ yếu là do các trường hợp dự án mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần có quy mô vốn lớn, như: Dự án nhà máy điện LNG Long An I và II (vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD); Dự án công ty TNHH Intel Products Việt Nam (điều chỉnh tăng vốn thêm 3,075 tỷ USD); Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1 (vốn đầu tư 2,3 tỷ USD); Góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư Singapore vào công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast Hải Phòng (giá trị vốn góp 2,2 tỷ USD).

Một số chỉ tiêu khác như, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 35-36%); tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 28-29%) ...

Chứng khoán "nhảy số", "nóng" thao túng giá cổ phiếu: Chính phủ đề cập thế nào trong báo cáo gửi Quốc hội?

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 trong báo cáo gửi tới Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3.

Tuy nhiên, có 05/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 2,58% so với mục tiêu khoảng 6% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 3-3,5%); GDP bình quân đầu người ước đạt 3.680 USD, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 3.700 USD (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 3.660-3.680); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 37,13%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 44 - 47% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 32%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,52 điểm phần trăm, thấp hơn so với mục tiêu 1 - 1,5 điểm phần trăm (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 0,5-1 điểm phần trăm); tốc độ tăng năng suất lao động đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu khoảng 4,8% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 4,8%).

Theo Chính phủ, việc khôi phục lại tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động đã có bước chuyển biến tích cực nhưng tiến độ còn chậm.

Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được kiểm soát dưới mức 2%, tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị, kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp.

Tại thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 1,49%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 2,88%.

Tuy nhiên, đánh giá một cách thận trọng, nếu tính toàn bộ dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì con số này khoảng 6,31%.

Chứng khoán "nhảy số", "nóng" thao túng giá cổ phiếu: Chính phủ đề cập thế nào trong báo cáo gửi Quốc hội?

Việc khôi phục lại tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động đã có bước chuyển biến tích cực nhưng tiến độ còn chậm. (Ảnh: LT)

Về xuất khẩu, vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Tốc độ tăng nhập khẩu năm 2021 cao hơn xuất khẩu; khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu cao.

Trong đó, nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện để gia công, tận dụng các chính sách ưu đãi, chi phí năng lượng, môi trường, sức lao động... giá rẻ, vị trí địa lý cửa ngõ và các hiệp định đã ký kết để xuất hàng sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN..., tạo ra ít giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong đó khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách . Một số chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản.

"Mặc dù tình hình kinh tế xã hội nước ta trong quý IV/2021 có những chuyển biến rất tích cực, nhưng hậu quả của dịch bệnh là hết sức nặng nề, sức cầu của nền kinh tế chưa thể phục hồi mạnh mẽ ngay trong ngắn hạn. Qua đó khẳng định tính cấp thiết phải thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, sớm đưa nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch", Chính phủ đánh giá.

Thách thức năm 2022, cần giải pháp kịp thời sau một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu

Đánh giá về kinh tế năm 2022, Bộ trưởng Dũng thừa nhận, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logisitics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu…, trong khi công tác điều hành giá xăng dầu còn khó khăn.

Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018-2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023. Do vậy, yêu cầu cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.

Chính phủ cũng lưu ý, giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tiêu dùng, sản xuất từ Trung Quốc; thị trường chứng khoán biến động mạnh. Đây là các yếu tố tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp.

Cũng theo Chính phủ, nguy cơ nợ xấu, những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính, thị trường vốn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, theo dõi sát sao để có thể xử lý kịp thời.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 4, một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư; tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng và thị trường tài chính nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt.

Tháng 3/2022 thị trường tài chính rúng động về việc cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra, xác minh về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trên thị trường trái phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy 9 lô trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh và bắt giam ông Đỗ Anh Dũng để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
2 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại