menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Xuân Lộc

Chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ: Tìm vốn trong khủng hoảng Covid!

Ở các nước phát triển, một giải pháp tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp rất được khuyến khích trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, đó là chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ.

Khủng hoảng dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng kinh tế do hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ngừng trệ dẫn tới sự phá sản của nhiều doanh nghiệp. Để hạn chế hậu quả của khủng hoảng kinh tế, nhiều quốc gia đã thực hiện chương trình hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (Asset-Backed Security gọi tắt là ABS).

Đối với loại hình hỗ trợ vốn này, có thể kể đến chương trình Term Asset Backed Security Loan Facility của Cục Dự trữ liên bang của Mỹ (Fed) vào năm 2020, hay chương trình Structured Finance Support Fund của Úc. Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ qua ABS này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể được hưởng (phải đáp ứng được một số điều kiện, cũng như giới hạn ở một số loại tài sản doanh nghiệp nhất định).

Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hay doanh nghiệp khởi nghiệp không đủ điều kiện được hưởng chương trình hỗ trợ qua ABS, thì tìm được nguồn vốn để doanh nghiệp duy trì và phát triển không phải dễ, và có thể là một bài toán sống còn của doanh nghiệp.

Cơ chế chứng khoán hóa quyền SHTT: Chủ sở hữu quyền SHTT chuyển nhượng quyền tài sản trí tuệ cho một công ty chuyên biệt về chứng khoán hóa (SPV).

Công ty SPV thực hiện khoản thanh toán này cho chủ sở hữu quyền SHTT nhờ vào tiền thu được từ phát hành chứng khoán (dưới dạng trái phiếu) bán cho các nhà đầu tư (bị hấp dẫn bởi khả năng mang lại lợi nhuận của các tài sản trí tuệ).

Ở các nước phát triển, một giải pháp tìm nguồn vốn khác hiện rất được khuyến khích trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế này, đó là chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ (IP-backed Securitization).

Đây là một hoạt động đặc biệt phổ biến ở Mỹ, cũng như được áp dụng nhiều ở các nước châu Âu, Nhật hay gần đây là Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động này chưa thực sự được biết đến nhiều, cũng như chưa được đưa vào quy định pháp lý cụ thể nào cả.

Về nguyên tắc, chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng không khác gì nhiều hoạt động phát hành ABS. Quyền SHTT (quyền tác giả đối với các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, văn học nghệ thuật, phần mềm, game - trò chơi, hay quyền sở hữu công nghiệp như bằng sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, quyền giống cây trồng...) chính là một loại tài sản trí tuệ, vì nó cho phép chủ sở hữu khai thác độc quyền sản phẩm sáng tạo được bảo hộ, qua nhiều hình thức khác nhau: khai thác trực tiếp, cấp li-xăng hay chuyển nhượng quyền khai thác. Tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp có dòng doanh thu trong tương lai, nhờ các hoạt động khai thác nói trên.

Cơ chế chứng khoán hóa quyền SHTT có thể được tóm gọn như sau: chủ sở hữu quyền SHTT chuyển nhượng quyền tài sản trí tuệ cho một công ty chuyên biệt về chứng khoán hóa (Special Purpose Vehicle, gọi tắt là SPV - công ty chỉ được thành lập với mục đích chứng khoán hóa), để được nhận một khoản thanh toán tương đương với giá trị của các tài sản trí tuệ chuyển nhượng.

Công ty SPV thực hiện khoản thanh toán này cho chủ sở hữu quyền SHTT nhờ vào tiền thu được từ phát hành chứng khoán (dưới dạng trái phiếu) bán cho các nhà đầu tư (bị hấp dẫn bởi khả năng mang lại lợi nhuận của các tài sản trí tuệ). Chủ sở hữu quyền SHTT ban đầu sẽ tiếp tục được khai thác các tài sản đã chuyển nhượng nhưng phải chuyển giao quyền thu phí khai thác (royalties) cho SPV. Đây chính là dòng doanh thu để SPV có thể hoàn trả lại cho nhà đầu tư tiền gốc và lãi. Sau một giai đoạn cụ thể khi tiền gốc và lãi trái phiếu của nhà đầu tư đã được thanh toán như quy định, thì chủ sở hữu quyền SHTT lấy lại các quyền tài sản trí tuệ ban đầu.

Chứng khoán hóa quyền SHTT là một giải pháp được đánh giá là hữu ích trong việc mang lại nguồn vốn cần thiết cho doanh nghiệp, và được nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị, như OECD đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa(1) hay Liên hiệp quốc cũng ra chỉ dẫn về vấn đề này, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các hoạt động chứng khoán hóa quyền SHTT(2).

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay khởi nghiệp, thì vấn đề quy mô doanh nghiệp, quy mô tài sản trí tuệ có thể là một trở ngại để thực hiện chứng khoán hóa quyền SHTT một cách đơn lẻ. Vì thế, giải pháp có thể là nhiều doanh nghiệp cùng gom nhiều tài sản trí tuệ lại để giao cho một công ty SPV, và nhờ đó được tiếp cận với thị trường vốn. Vào tháng 9-2019, 11 doanh nghiệp về công nghệ của Trung Quốc đã áp dụng cách này đối với một phần số bằng sáng chế của họ, và đạt được khoản đầu tư tương đương với 39 triệu euro.

Có những vấn đề cần thực sự lưu ý khi thực hiện chứng khoán hóa quyền SHTT, liên quan tới bản chất khác biệt của chính những tài sản này.

Thứ nhất, cần phải tính đến thời hạn bảo hộ quyền SHTT (phần lớn các quyền SHTT đều có một thời hạn khai thác có giới hạn nhất định, và độ dài thời hạn này khác nhau tùy loại quyền SHTT) để xác định thời hạn chứng khoán phát hành. Thứ hai, cần xác định đúng giá trị tài sản trí tuệ chuyển nhượng cho SPV bằng cách đánh giá nhiều yếu tố khác nhau (như doanh thu nhờ vào khai thác tài sản, li-xăng đã cấp, tình hình thị trường, đối thủ cạnh tranh...). Thứ ba, cần chú ý đến khả năng khai thác của tài sản trí tuệ (ngay lập tức hay trong tương lai), tình trạng bảo hộ (khả năng bị tranh chấp, bị tước bằng bảo hộ) cũng như số lượng tài sản chuyển nhượng, để đánh giá đúng khả năng khai thác, giảm tránh nguy cơ cho các nhà đầu tư.

Một số vụ “đình đám” về chứng khoán hóa quyền SHTT có thể được đưa ra làm ví dụ ở đây. Năm 1997, David Bowie đã thực hiện “phi vụ” đầu tiên trong lịch sử, trong đó ca sĩ nổi tiếng này đã đạt được một khoản đầu tư 55 triệu đô la Mỹ, khi chứng khoán hóa thu nhập tác quyền tương lai từ 250 bài hát của ông.

Năm 2003, hãng thời trang Guess cũng thực hiện hoạt động tương tự đối với các nhãn hiệu nội địa và quốc tế, và đổi lại Guess đạt được khoản vốn 75 triệu đô la. Trung Quốc hiện cũng đang khá sôi động với phương thức huy động vốn này. Vụ chứng khoán hóa của 11 công ty công nghệ đã nói ở trên được thực hiện ở Quảng Châu liên quan tới một số lượng lớn tài sản trí tuệ, trong đó có 66 bằng sáng chế và 37 bằng bảo hộ giải pháp hữu ích.

Một trong những khó khăn cho hoạt động chứng khoán hóa quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay là sự nhỏ lẻ của thị trường mua bán chuyển nhượng, cấp li-xăng tài sản trí tuệ, cũng như việc chưa có quy định pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, vì tính hữu ích của nó trong việc hỗ trợ tìm nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp, cũng như tác động tích cực của hoạt động này tới khả năng sáng tạo đổi mới nói chung của quốc gia, thì nên xem xét khả năng áp dụng ở Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại