menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Vân

‘Chẻ’ lương để đóng bảo hiểm xã hội thấp

Ngoài lương căn bản, nhiều doanh nghiệp chia thu nhập của người lao động thành cả chục khoản trợ cấp, phụ cấp, hỗ trợ để “né” chi phí bảo hiểm xã hội.

Nhận phiếu lương tháng 4 từ kế toán, anh Lê Hữu Hưng, công nhân nhà máy cơ khí đóng ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), cho biết sau hơn 10 năm làm việc, tổng lương mỗi tháng hơn 12 triệu đồng. Sau khi trừ 10,5% các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và công đoàn, số tiền anh Hưng thực nhận gần 11,5 triệu. Song mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của anh chỉ hơn 6,7 triệu (gồm lương cơ bản, phụ cấp bổ sung và thâm niên).

‘Chẻ’ lương để đóng bảo hiểm xã hội thấp

Phiếu lương với rất nhiều khoản trợ cấp, phụ cấp của công nhân. Ảnh: An Phương

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân nhà máy may xuất khẩu ở TP Thủ Đức, có thu nhập trung bình mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, nhưng mức lương căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chỉ hơn 5 triệu đồng. Mỗi tháng chị trích cỡ 530.000 đồng để đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp.

Chị Thanh giải thích nhà máy trả lương sản phẩm nên thu nhập thực tế của người lao động gồm nhiều khoản như lương căn bản tính theo bậc, hiệu quả công việc và một số loại phụ cấp thâm niên, nhà ở, đi lại, nuôi con nhỏ... Công nhân trực tiếp sản xuất có 8 bậc lương. Chị được xếp bậc 3 với lương căn bản mỗi tháng hơn 5,1 triệu đồng - mức căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội.

"Đóng bảo hiểm ít thì lương còn lại nhiều. Tôi chưa bao giờ thắc mắc vì sao thu nhập cao mà lại trích đóng thấp", chị Thanh nói.

Thực trạng mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn so với thu nhập thực tế như trường hợp chị Thanh, anh Hưng khá phổ biến. Theo báo cáo lương năm 2021 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, mức lương bình quân các doanh nghiệp thực trả mỗi tháng cho người lao động là 11,24 triệu đồng. Tuy nhiên, tại số liệu của Bảo hiểm xã hội thành phố, mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thời gian này chỉ hơn 7,4 triệu đồng, bằng khoảng 2/3 so với thực lĩnh.

Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nói rằng tình trạng các doanh nghiệp tách lương của người lao động thành nhiều khoản để giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội tồn tại nhiều năm qua. Nguyên nhân chính do quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn không thống nhất.

Theo khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung. "Về nguyên tắc tất cả các khoản doanh nghiệp chi trả cho người lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thế nhưng khi bộ, ngành hướng dẫn lại khác", ông Chính nói.

‘Chẻ’ lương để đóng bảo hiểm xã hội thấp

Công nhân ở một doanh nghiệp đóng tại quận Bình Tân, TP HCM, giờ tan ca. Ảnh: Hữu Khoa

Ông Chính kể trước khi ban hành hướng dẫn thực hiện luật bảo hiểm, Tổng liên đoàn đề nghị bảo hiểm xã hội cần được đóng dựa vào thu nhập thực tế. Việc này giúp người lao động sau này lương hưu cao, các chế độ ốm đau, thai sản, thất nghiệp... được đảm bảo. Ngược lại, nếu đóng thấp kéo theo mức hưởng sẽ không đáng kể, lương hưu không đủ hấp dẫn. Đây là một trong những lý do khiến chính sách bảo hiểm giảm sức hút, nhiều người chọn nhận trợ cấp một lần.

Tuy nhiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại quy định, ngoài lương cơ bản, phần thu nhập bổ sung có tính cố định mới phải đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, mới có danh sách dài ít nhất 15 khoản trợ cấp, phụ cấp, hỗ trợ không thuộc danh mục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

"Doanh nghiệp lách chỗ này để giảm chi phí bởi theo quy định, tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm là 32% tiền lương, trong đó công ty đóng 21,5%, chiếm đến 2/3", ông Chính nói. Có những công ty trả lương trung bình mỗi tháng cho người lao động gần 20 triệu đồng nhưng đóng bảo hiểm xã hội chỉ trên mức tối thiểu vùng. Tất cả các khoản còn lại được đưa vào phụ cấp, hỗ trợ nên nhiều trường hợp "phần phụ còn cao hơn lương chính".

Trong khi đó, TS Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC), nói cần có sự thông cảm nhất định cho tình trạng doanh nghiệp "chẻ" lương để đóng bảo hiểm xã hội mức thấp. Bởi phần lớn các nhà máy ở Việt Nam là gia công, lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi cung ứng nhưng chi phí lao động lại khá lớn. Đơn cử, trong ngành gỗ, khoản này chiếm 15-30%, tỷ lệ này ở công ty gia công hàng may là 70-80%.

Hiện, tỷ lệ phần trăm (%) lương trích đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất châu Á. Vì vậy, các doanh nghiệp xây dựng mức lương căn cứ đóng bảo hiểm chiếm 40-60% thu nhập thực tế là nằm trong khả năng "chịu đựng được".

Từ các khảo sát của ERC, TS Chi nhận định chỉ 15-20% doanh nghiệp "tách" lương, giảm mức đóng bảo hiểm để tối đa hóa lợi nhuận, 10% doanh nghiệp sẵn sàng mua thêm bảo hiểm tư nhân để thêm phúc lợi cho người lao động. Số còn lại loay hoay bởi khách hàng ép giá, thị trường khó khăn, lao động nhảy việc nên buộc phải tính toán chi phí hợp lý nhất để tồn tại.

"Nếu đóng bảo hiểm trên mức lương thực lãnh, chi phí nhiều doanh nghiệp tăng rất khủng khiếp. Không ít nhà máy gia công sẽ biến mất khỏi thị trường", bà Chi nhận định. Do đó, việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lương thực nhận cần có lộ trình, cân nhắc đến yếu tố phát triển kinh tế, duy trì việc làm.

‘Chẻ’ lương để đóng bảo hiểm xã hội thấp

Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức. Ảnh: Lê Tuyết

Theo bà Chi, trong bối cảnh phần lớn nhà máy chưa sẵn sàng với đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên thu nhập thực tế, nhà nước nên có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp. Ví dụ, nhà nước tạo điều kiện phát triển các quỹ hưu trí tư nhân do các công ty chuyên nghiệp đảm nhận, khuyến khích các doanh nghiệp có tài chính tốt tham gia cho người lao động. Việc này giúp các đơn vị giữ được nhân sự nòng cốt ở lại lâu dài.

Đối với nhóm lao động phổ thông, kỹ năng kém, làm các công việc giản đơn, ngân sách nhà nước vẫn phải dành sự hỗ trợ nhất định. Về lâu dài, nền kinh tế phải thay đổi cơ cấu, các doanh nghiệp đi lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng để có lợi nhuận tốt hơn. Song song đó, người lao động cần được đào tạo, nâng cao tay nghề kịp thích nghi công nghệ mới.

Theo ông Mai Đức Chính, tình trạng chia nhỏ lương thành nhiều khoản sẽ tiếp tục tồn tại nếu pháp luật không có sự điều chỉnh. Thực tế, ở doanh nghiệp có hai bảng lương dành để trình đóng bảo hiểm xã hội và sử dụng khi quyết toán thuế.

"Các khoản trả cho người lao động đều được tính vào chi phí lao động để khấu trừ thuế nhưng khi đóng bảo hiểm lại bỏ ra", ông Chính nói và cho rằng đó là nghịch lý cần thay đổi. Ngành lao động và tài chính cần thống nhất cách quản lý để có sự liên thông dữ liệu giữa thuế và bảo hiểm xã hội, tiến đến đạt mục tiêu tổng quỹ lương dùng quyết toán thuế là cơ sở để đóng bảo hiểm bắt buộc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại