menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Anh Dũng

Chặn hàng hóa vi phạm trên không gian mạng: Phạt 30 triệu liệu đủ… răn đe?

Mặc dù tiềm ẩn nhiều hệ lụy, thế nhưng, hành vi kinh doanh hàng giả, hàng cấm trên internet được đề xuất với mức xử phạt 20-30 triệu đồng,… khiến không ít ý kiến quan ngại, liệu có đủ sức răn đe?

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng vi phạm về hàng hóa trên không gian mạng thời gian qua, bên cạnh hướng dẫn người tiêu dùng về cách kiểm chứng, nhận diện thông qua địa chỉ website với tên miền “online.gov.vn”. Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, trong thời gian sắp tới sẽ chủ trì cùng với các cơ quan liên quan để rà soát và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, với những mức phạt cũng rất rõ ràng.

“Ví dụ, hành vi kinh doanh hàng giả, hàng cấm trên Internet có thể bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Với hành vi giả mạo logo đã đăng ký Bộ Công Thương, mức phạt cũng từ 20 - 30 triệu đồng. Đó là với cá nhân, còn với doanh nghiệp thì mức phạt sẽ nhân đôi”, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chia sẻ với truyền thông.

Trước thông tin đã nêu, không ít ý kiến tỏ ra quan ngại, với mức xử phạt 30 triệu, liệu có đủ sức răn đe? Nhất là khi việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ… trên môi trường mạng đang ngày càng nở rộ và diễn biến phức tạp suốt thời gian qua.

Thực tế, dù lực lượng chức năng đã chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo thương hiệu vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi và có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, đặc biệt là trên môi trường mạng.

Theo thống kê, chỉ trong năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện và xử phạt hơn 3.000 hành vi vi phạm trên các sàn thương mại điện tử, với tổng mức xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Chặn hàng hóa vi phạm trên không gian mạng: Phạt 30 triệu liệu đủ… răn đe?

Nhiều kho hàng "khủng" vi phạm phục vụ hoạt động buôn bán trong không gian mạng bị triệt phá năm 2021 - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, mức xử phạt với cá nhân cao nhất là 30 triệu đồng cho hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm trên mạng internet được đề xuất, thoạt nhìn có thể thấy đây là mức xử phạt không nhẹ. Thế nhưng, để ngăn chặn vi phạm thì với mức xử phạt này sẽ không đủ sức răn đe, bởi, thông qua các vụ việc đã bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá thì lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm là con số không nhỏ.

Chưa kể, hành vi kinh doanh hàng hóa vi phạm trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thông thường những cá nhân này phải kinh doanh một thời gian mới bị các cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá, nên với mức xử phạt 30 triệu đồng không đáng kể so với hành vi vi phạm đã mang lại.

Tương tự, đối với doanh nghiệp, nếu mức phạt gấp đôi là 60 triệu đồng cũng không “thấm” vào đâu so với lợi nhuận, nếu hành vi vi phạm chưa đủ để xử lý hình sự theo quy định hiện hành.

Thực tế việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng không phải mới xuất hiện gần đây và cơ quan chức năng cũng bắt giữ nhiều vụ việc với quy mô lớn, lợi nhuận “khủng” như vụ triệt phá các kho hàng tại Hà Nội và Ninh Bình trong năm 2021 vừa qua, với hàng ngàn sản phẩm hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu lớn từ mỹ phẩm đến quần áo, phụ kiện, giày dép… trung bình mỗi ngày có tới hàng nghìn đơn hàng được gửi đi, doanh thu lên tới vài trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng/ngày.

Nhiều giải pháp, chế tài cũng được các cơ quan chức năng đưa ra như Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng các đối tượng vi phạm ngày càng chuyên nghiệp và tinh vi, trong khi chế tài chưa đủ mạnh, nên hoạt động kinh doanh trên không gian mạng ngày càng phát triển, các đối tượng có hành vi vi phạm nói trên lại càng có đất “tung hoành”.

Theo các chuyên gia, đây là những hành vi, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh uy tín. Vì vậy, với mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng là quá nhẹ và không đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, để triệt phá hành vi kinh doanh vi phạm này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần có sự chung tay của người tiêu dùng, bởi có cầu mới có cung, khi tâm lý thích mua “hàng hiệu giá bình dân” của nhiều người vẫn tồn tại thì dù chế tài có đủ thì công tác đấu tranh với hàng hóa vi phạm trên không gian mạng vẫn đi vào ngõ cụt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại