menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huỳnh Dương Bốn

Cắt giảm lãi suất: Giải pháp win - win trong tín dụng

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, kích thích tăng trưởng kinh tế thì việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ giúp tăng tính ổn định về dài hạn của hệ thống ngân hàng.

Quan điểm chính sách hỗ trợ thị trường

Lần đầu tiên kể từ tháng 7/2017, thị trường ghi nhận việc NHNN từng bước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng như hạ trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay, phát đi tín hiệu về quan điểm chính sách hỗ trợ thị trường rõ nét hơn.

Trước đó, từ 16/9/2019, NHNN đã hạ lãi suất tái cấp vốn từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm - lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên của NHNN kể từ tháng 10/2017.

Đồng thời, trên thị trường mở, kể từ giữa tháng 10/2019, NHNN liên tục bơm ròng thanh khoản và điều chỉnh giảm các mức lãi suất nghiệp vụ chào mua giấy tờ có giá, giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng thương mại khi vay NHNN. Với động thái trên, các ngân hàng thương mại có tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay.

Tiếp đó, kể từ ngày 19/11/2019, NHNN chính thức cho áp dụng quy định về lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi tương ứng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm - động thái hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

“Điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước ổn định là nhân tố thuận lợi cho việc điều chỉnh lãi suất lần này”, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định trong một báo cáo mới phát hành.

Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy kinh tế tăng trưởng khả quan với vĩ mô ổn định: CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2019 tăng 2,48% so với cùng giai đoạn năm 2018 (con số tương ứng của năm 2018 là tăng 3,6%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% cả năm do Quốc hội đề ra. Tỷ giá VND/USD đi ngang trong biên độ hẹp và hiện chỉ tăng nhẹ khoảng 0,03% so với đầu năm.

Đặc biệt, thặng dư thương mại lớn với lũy kế đến nay vượt 9 tỷ USD, tạo điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối, hiện ở mức tương đương với 3,3 tháng nhập khẩu.

Doanh nghiệp hưởng lợi từ cắt giảm lãi suất

Ngay sau khi NHNN ban hành quy định nêu trên, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất. Trong đó, các ngân hàng lớn có nguồn vốn và thanh khoản ổn định đã chủ động công bố các mức điều chỉnh.

Vietcombank đã giảm 0,5% lãi suất các khoản vay cho doanh nghiệp tại tất cả các kỳ hạn; VietinBank giảm lãi suất từ 6,5%/năm xuống 6%/năm cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ; BIDV ngoài việc đưa lãi suất về mức quy định của NHNN thì còn duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên thấp hơn 0,5%/năm so với quy định mới, tối đa chỉ 5,5%/năm…

Đánh giá tác động của việc cắt giảm lãi suất trên diện rộng lần này, MBS lưu ý rằng tính từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã 3 lần giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1-1,5%.

Tính toán cho thấy, tính từ đầu năm đến nay các ngân hàng đã chấp nhận giảm hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, riêng Vietcombank qua 3 lần giảm lãi suất với mức giảm lên tới 1,5%/năm đã chấp nhận lợi nhuận sụt giảm gần 600 tỷ đồng - phần giảm này đang chia sẻ, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Giảm lãi suất, tín dụng đi vào chất

Cũng theo MBS, việc NHNN ban hành quy định giảm trần lãi suất huy động cũng sẽ giúp tăng tính ổn định về dài hạn của hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, khi trần lãi suất huy động được áp dụng sẽ có những tác động rõ nét lên cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại.

Cụ thể là người gửi tiền sẽ ưu tiên chọn các kỳ hạn dài hơn trước. Theo đó, “lượng tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng sẽ giảm đi, và lượng tiền gửi kỳ hạn dài hơn trên 6 tháng sẽ tăng lên”, MBS nhận định.

Như vậy, việc thay đổi cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn và cơ cấu kỳ hạn sử dụng vốn sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các ngân hàng theo kịp quy định của NHNN về lộ trình đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: về mức 40% từ 1/1/2020 đến 30/9/2020; và về mức 30% từ 1/10/2022.

Trong khi đó, việc hạ trần lãi suất cho vay có thể dẫn đến sự tái phân bổ tín dụng. Các ngân hàng sẽ có xu hướng giảm các khoản vay có tính rủi ro cao và tăng giá trị các khoản vay có rủi ro và chi phí quản lý thấp hơn, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng.

Liên quan đến thay đổi biên lợi nhuận của ngân hàng, qua đó tác động đến lợi nhuận kinh doanh, theo nhận định của MBS, tác động từ việc giảm lãi suất huy động và cho vay lần này “đều ở mức tương đối thấp”.

Và như vậy, cắt giảm lãi suất là giải pháp win - win với các bên liên quan đều "thắng".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại