Người dân Anh đã thay đổi suy nghĩ về chuyện rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Các kết quả khảo sát cho thấy, bắt đầu từ mùa hè năm 2017 cho tới nay, số lượng người dân cho rằng Brexit là hành động sai lầm ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Đảng Bảo thủ Anh trở nên tâm huyết hơn bao giờ hết với Brexit.
63% thành viên Đảng Bảo thủ thà nhìn thấy Scotland “ly khai” khỏi Vương quốc Anh còn hơn từ bỏ Brexit. 61% chấp nhận nền kinh tế chịu tổn thương nghiêm trọng để rời khỏi EU…, theo số liệu được Bloomberg trích dẫn.
Những mâu thuẫn này tạo nên “bi kịch” cho Thủ tướng Anh Boris Johnson, cũng như những người tiền nhiệm đã phải rời bỏ vị trí vì Brexit.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh đang đòi hỏi điều mà người dân không còn mong muốn và ông Boris Johnson không thể khiến Nghị viện Anh gật đầu với kế hoạch Brexit mới nhất của mình.
Phiên họp cuối tuần trước là lần đầu tiên sau hơn 20 năm Nghị viện Anh tiến hành họp vào thứ Bảy để bỏ phiếu về một vấn đề quan trọng. Kết quả cho thấy, Thủ tướng Anh Boris Johnson không nhận được sự chấp thuận của Nghị viện tại bất kỳ vấn đề quan trọng nào trong kế hoạch Brexit của mình và bị buộc phải xin EU trì hoãn tiến trình Brexit cho tới cuối tháng 1/2020.
Ông Johnson từng cam kết sẽ thực hiện Brexit với bất kể giá nào cho tới ngày 31/10, nhưng với diễn biến hiện tại, cánh cửa với Brexit đóng lại một lần nữa.
Ngày 20/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) cho biết đã nhận được thư đề nghị gia hạn Brexit và EU sẽ có các cuộc thảo luận về vấn đề này.
Tháng 9/2019, Jaguar Land Rover công bố kế hoạch xây dựng khu sản xuất mới với công nghệ tối tân. Tới tháng 10, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất nước Anh cho biết, họ đang lâm vào tình cảnh “ăn không ngồi rồi” trong tuần qua bởi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, hệ quả từ việc thời hạn nước Anh phải rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới gần.
Theo đó, kế hoạch xây dựng khu sản xuất mới bị trì hoãn vô thời hạn, trong khi nhà máy hiện tại phải đóng cửa, dù nước Anh có đạt được thỏa thuận Brexit hay không.
“Chúng tôi cần biết về thuế quan, các chính sách mới và điều kiện thuận lợi hơn để kinh doanh”, Ralf Speth, CEO Jaguar Land Rover cho biết.
Đa số các lãnh đạo doanh nghiệp không muốn nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, tuy nhiên tình trạng “dở sống dở chết” như hiện tại còn đáng sợ hơn. Trong đó, ngành ô tô đang là nạn nhân hàng đầu bởi những gián đoạn mà Brexit gây ra.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô đã chi hơn 500 triệu bảng Anh (650 triệu USD) cho công tác chuẩn bị đối phó Brexit, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô Anh.
Toyota Motor Corp, BMW AG Co đều thông báo kế hoạch tạm ngừng sản xuất, trong khi Nissan Motor Co cho rằng, hàng rào thuế quan đối với sản phẩm xe hơi của Anh xuất khẩu ra châu Âu sẽ khiến ngành này không thể phát triển bền vững.
Trong khi đó, các nhà sản xuất dược phẩm đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng để đảm bảo có thể sản xuất, cung cấp sản phẩm thiết yếu này ra thị trường, trong khi gia tăng năng lực sản xuất tại các khu vực khác ở châu Âu.
AstraZeneca Plc cho biết, Công ty đã chi khoảng 40 - 50 triệu bảng Anh để đảm bảo việc kinh doanh tại các thị trường nước ngoài, trong khi GlaxoSmithKline Plc cho biết, Brexit khiến Công ty tổn thất hơn 100 triệu bảng Anh trong thời gian qua.
Nổi danh là thủ phủ tài chính quốc tế, nhưng London đang chứng kiến thị trường trầm lắng hơn bao giờ hết, khi các tổ chức đầu tư, ngân hàng dần dần rút chân ra khỏi thị trường này.
Theo EY, các nhà băng đã dành riêng khoảng 1.000 tỷ USD các loại tài sản để chuyển ra khỏi nước Anh tới các thị trường khác.
“Thời kỳ của quá nhiều yếu tố không rõ ràng này khiến việc lập kế hoạch trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”, James Wood-Collins, CEO Record Plc, doanh nghiệp tư vấn trên thị trường tiền tệ cho biết.
Chia sẻ thông tin hữu ích