menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bình Minh

Các hiệp hội ngành hàng muốn đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường

Các hiệp hội cho rằng cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT) và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm, do thủ tục cấp GPMT trong Dự thảo rất phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, không rõ ràng, rất dễ tạo cơ chế xin-cho ảnh hưởng đến môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam.

Mới đây, các hiệp hội ngành hàng gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM (FFA), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà Sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) đã gửi thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lắng nghe góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về 6 nội dung bất cập lớn tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đang được Bộ Tài nguyên Môi trường gấp rút hoàn thiện trình Chính phủ.

Theo cộng đồng doanh nghiệp, dự thảo ngày 5/10/2021 là phiên bản chỉnh lý sửa đổi sau buổi họp thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 27/9/2021. Mặc dù Dự thảo lần này đã có nhiều sửa đổi so với Dự thảo trước đó, nhưng sau khi các doanh nghiệp và chuyên gia của các Hiệp hội nghiên cứu kỹ thì thấy vẫn còn khá nhiều nội dung lớn không phù hợp với các Luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam. Những nội dung này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho phát triển đất nước mà đặc biệt là phát sinh thủ tục hành chính và “cần làm rõ cơ sở pháp lý” ở một số nội dung đúng như báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp đã nêu.

Các Hiệp hội cam kết việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để không chỉ hội nhập tốt hơn, môi trường sống tốt hơn mà còn là điều kiện sinh tồn cho các thế hệ tương lai. Vì vậy, cộng đồng DN, các Hiệp hội ngành hàng cũng đặc biệt quan tâm và đã có nhiều góp ý trực tiếp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo trong suốt thời gian qua.

Qua buổi họp thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 27/9/2021, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp ngày 6/10/2021, bản dự thảo sửa đổi sau thẩm định (5/10) các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét rà soát kỹ nội dung dự thảo. Đồng thời, các Hiệp hội cũng đưa ra 6 góp ý, đề xuất cụ thể và quan trọng đối với dự thảo này.

Theo đó, các hiệp hội cho rằng cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT) và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm, do thủ tục cấp GPMT trong Dự thảo rất phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, không rõ ràng, rất dễ tạo cơ chế xin-cho ảnh hưởng đến môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam mà không đạt được mục đích bảo vệ môi trường tốt hơn và chỉ dựa vào tiền kiểm, nên không có nhiều hiệu quả quản lý.

11 hiệp hội cũng cho hay cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư-kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, như: quy định về khoảng cách an toàn với khu dân cư áp dụng với cả doanh nghiệp đã hoạt động từ trước đây, nếu có dân đến ở gần thì doanh nghiệp phải di dời nhưng chi phí di dời do ai trả thì không đề cập - mâu thuẫn với Luật Đầu tư và không phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó là quy định phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động (Điều 100); quy định “bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy” sẽ dẫn đến hàng loạt nhà máy sẽ phải đóng cửa từ 1/1/2026 vì không có bao bì để đóng gói, vật liệu để sản xuất và nhiều quy định bất hợp lý khác.

Các hiệp hội ngành hàng cũng kiến nghị bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR và Hội đồng EPR do không có đề cập hay quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, không có cơ sở pháp lý; làm tăng biên chế bất hợp lý; quy chế hoạt động có nhiều điểm trái với các Luật hiện hành. Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp ngày 6/10/2021 cũng nêu rất rõ quan ngại về Văn phòng EPR và Hội đồng EPR do những điểm nêu trên.

Bên cạnh đó, cần phải bổ sung khung pháp lý và khung pháp lý phải rõ ràng nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải”; điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam, không để mức quy định thiếu phù hợp, chưa rõ cơ sở khoa học, thiếu công bằng, phí chồng phí, gây khó khăn cho DN, tăng giá thành sản phẩm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Các hiệp hội cũng đề nghị bỏ yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu gom và tái chế đạt một tỉ lệ nhất định hay đóng góp tái chế cho sản phẩm/bao bì tự phân hủy sinh học (bởi chúng không có hại với môi trường) hoặc sản phẩm/bao bì có giá trị thương mại khi hết thời gian sử dụng như thiết bị kim loại, ô tô, xe máy cũ (bởi không tự thu gom được do người sở hữu thường bán chứ không thải bỏ.

Cùng với đó, lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025 để có thời gian xây dựng công nghiệp tái chế chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng được khả thi, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại