BRICS gặp 'báo động': Đồng tiền chung bị coi là viển vông, quốc gia thành viên bất ngờ 'quay lưng' với kế hoạch phi USD hóa
Một số chuyên gia cho rằng đồng USD sẽ không bị ảnh hưởng trong tương lai gần vì chưa có bất kỳ sự thay thế khả thi nào ở thời điểm này.
Suốt hai năm qua, có nhiều suy đoán về một đồng tiền chung của BRICS có thể thách thức sự thống trị của đồng USD. Cụ thể, khối này được cho là đã thảo luận về khả năng ra mắt một đồng tiền mới sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga năm 2022.
Trung Quốc, Nga và gần đây là Iran đang tích cực thúc đẩy chiến lược phi USD hóa và mong muốn đẩy mạnh các đồng tiền nội tệ. Động thái này đang tạo hy vọng cho các quốc gia đang phát triển rằng đồng tiền của họ có thể có cơ hội trên thị trường ngoại hối.
Giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ giúp các nhà xuất khẩu và nhập khẩu cân bằng rủi ro, có thêm nhiều lựa chọn để đầu tư, đồng thời có được sự chắc chắn lớn hơn về doanh thu, cựu Đại sứ Brazil ở Trung Quốc, ông Marcos Caramuru từng chia sẻ với CNBC.
Chuyên gia Mark Tinker của ToscaFund Hồng Kông (Trung Quốc) nói thêm rằng "một lợi ích khác đối với các quốc gia khi dịch chuyển khỏi đồng USD trong giao dịch thương mại là hỗ trợ họ đi lên trong chuỗi cung ứng".
Tuy nhiên, ngân hàng Standard Chartered cho rằng đồng tiền BRICS chỉ là một "điều viển vông". Đồng USD sẽ vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới trong thời gian dài. Tỷ trọng đồng USD trong dự trữ toàn cầu vẫn ở mức 58% vào năm 2024 và đã duy trì ổn định trong nhiều năm qua.
Cụ thể, theo Chiến lược gia trưởng tại Standard Chartered – ông Eric Robertsen, việc thay thế đồng USD khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng vì đồng bạc xanh đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch thương mại toàn cầu.
Một số chuyên gia cũng cho rằng USD sẽ không bị ảnh hưởng trong tương lai gần vì chưa có bất kỳ sự thay thế khả thi nào ở thời điểm này. Chuyên gia Cedric Chehab của Fitch Solutions đánh giá chính đồng Nhân dân tệ cũng chưa đủ sức thay thế USD.
Ông nói: "Tỷ lệ của đồng Nhân dân tệ trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu chỉ khoảng 2,5%; đồng thời Trung Quốc vẫn đang áp những hạn chế về tài khoản vãng lai. Điều đó cho thấy bất kỳ một đồng tiền nào cũng sẽ phải mất một thời gian dài để 'soán ngôi' đồng USD”.
Đáng chú ý, việc phi USD hóa cũng như tạo ra đồng tiền chung không chỉ bị tác động từ bên ngoài mà còn từ chính nội bộ BRICS. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das cho biết: "BRICS không đưa ra quyết định nào về việc tạo ra một đồng tiền chung nhằm giảm sử dụng đồng USD. Ý tưởng về một đồng tiền BRICS đã được một trong các thành viên đề cập cũng như được thảo luận, nhưng chưa có quyết định nào được ban hành".
Nước này cũng khẳng định chưa từng ủng hộ việc phi USD hóa và không có đề xuất nào về đồng tiền BRICS. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Quan hệ Hợp tác Quốc tế của Nam Phi Naledi Pandor đã lên tiếng nhấn mạnh: "Không hề có kế hoạch tạo ra đồng tiền BRICS mới". Ông nói các cuộc thảo luận của khối chỉ tập trung vào việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch thương mại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường