menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Như

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Kinh tế TP.HCM tăng trưởng âm 6,78% sau 35 năm

“Lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố từ giai đoạn đổi mới, kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch đề ra là tăng trưởng 6%", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.

Chiều 1.12, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị mở rộng lần thứ 10 trong bối cảnh thành phố đã trải qua 2 tháng mở cửa từng bước các hoạt động kinh tế, xã hội, dịch bệnh được kiểm soát. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng khi thảo luận, quyết định nhiều vấn đề lớn trong ngắn hạn và dài hạn với mục tiêu khôi phục và phát triển nhanh, bền vững, thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM gợi mở nhiều vấn đề để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến và đề xuất các giải pháp khả thi.

Khoảng 50% chỉ tiêu không đạt

Về nhóm vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết năm 2021 là năm đầu tiên triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11 và thực hiện chủ đề năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, triển khai đề án mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Dù vậy, TP.HCM phải đối diện làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh buộc thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp cách ly y tế nhằm ngăn dịch lây lan cộng đồng với mục tiêu bảo về sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết.

Sau gần 5 tháng, thành phố chịu nhiều tổn thất nặng nề; nhiều người không thể vượt qua; các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội bị ảnh hướng rất nghiêm trọng.

Hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước vẫn còn phức tạp, ông Nên đề nghị phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình, những kinh nghiệm mang tính thực tiễn và khoa học để có thể vận dụng vào quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 với trụ cột là chiến lược y tế.

Về nhóm các vấn đề kinh tế - xã hội, ông Nên thông tin quý 1/2021 tình hình kinh tế xã hội thành phố phát triển khá đồng đều, đến 6 tháng đầu năm thì chững lại và đến cuối năm thì sụt giảm nghiêm trọng. “Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố từ giai đoạn đổi mới, kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch đề ra là tăng trưởng 6%", ông Nên nhận định.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Kinh tế TP.HCM tăng trưởng âm 6,78% sau 35 năm
Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 10 tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với 2 điểm cầu. Ảnh NGUYÊN VŨ

Theo dự toán, năm nay TP.HCM có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu, còn 2/29 chỉ tiêu đến cuối năm mới có thể đánh giá. Trong khó khăn, kinh tế TP.HCM cũng có điểm sáng đó là kim ngạch xuất khẩu tăng 2,8%, nhập nhẩu tăng 24,9%, tổng thu ngân sách nhà nước có thể phấn đấu đến cuối năm đạt 100% chỉ tiêu.

Tìm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên gợi mở chủ đề năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.

Hội nghị Thành ủy sẽ cho ý kiến về 7 nhóm giải pháp cùng 21 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022 đã được Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất, đồng thời tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2025, ông Nên nhìn nhận đây là một chương trình đầy quyết tâm trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19. TP.HCM đưa ra 2 giai đoạn: từ nay đến hết năm 2022 và từ năm 2023-2025 và đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng vào huy động nguồn lực và cơ chế phân cấp, phân quyền.

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi quyết định thành công việc thực hiện mục tiêu của đại hội Đảng bộ TP.HCM đề ra. TP.HCM thống nhất không thay đổi, điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của đại hội, nhưng trong bối cảnh “bình thường mới” thì chắc chắn cần tư duy đổi mới, giải pháp mới, cơ chế mới và có kế hoạch phù hợp.

Trong khi đó, nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là căn cứ đề xây dựng kế hoạch phát triển hằng năm, 5 năm và lâu dài.

"Chúng ta thường có một nhược điểm là chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động không thiếu, song khâu tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu. Do vậy, cần phải tìm ra phương cách, cơ chế tổ chức, điều phối để thực hiện đồng bộ, hiểu quả và đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp đề ra đều đi vào thực tiễn, có sự liên thông, chặt chẽ", ông Nên yêu cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
1 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại