menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quách Dũng

Bất chấp thách thức, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng ấn tượng, thương mại bùng nổ, vì sao?

Trong khi Mỹ đau đầu với lạm phát cao nhất trong 40 năm, nhiều nước tăng trưởng chậm lại thì GDP Trung Quốc năm 2021 vẫn cao hơn nhiều mục tiêu.

Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, bất chấp các thách thức từ đại dịch và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), ngày 17/1, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của Trung Quốc tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020 lên 114,37 nghìn tỷ NDT (18 nghìn tỷ USD), cao hơn nhiều so với mục tiêu hằng năm là hơn 6%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 12.500 USD, cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Với sự phục hồi kinh tế ổn định và kiểm soát hiệu quả đại dịch vào năm 2021, Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Ước tính, nước này chiếm hơn 18% nền kinh tế thế giới và đóng góp khoảng 25% vào tăng trưởng GDP toàn cầu.

Nhà phân tích trưởng tại ngân hàng Minsheng Trung Quốc Wen Bin nói với Beijing Review: "Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng lần lượt 18,3%, 7,9%, 4,9% và 4% trong 4 quý của năm 2021, cho thấy, mức tăng trưởng đã có sự giảm tốc.

Tuy nhiên, tăng trưởng trung bình hằng tháng trong quý IV/2021 đạt 1,6% cho thấy các chính sách kích thích kinh tế của chính phủ đã có hiệu quả".

Năm ngoái, tiêu dùng cuối cùng đóng góp 65,4% vào tăng trưởng GDP và 20,9% xuất khẩu ròng.

Người đứng đầu NBS Ning Jizhe nói trong một cuộc họp báo rằng, việc mở rộng sản xuất đã thúc đẩy cải thiện thu nhập của người dân và thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước ngày càng tăng và ngành công nghiệp ngày càng hoàn thiện là yếu tố cần thiết để tăng trưởng xuất nhập khẩu.

Theo ông Ning, nhu cầu trong nước đóng góp 79,1% vào tăng trưởng kinh tế, tăng 4,4% so với năm 2020.

Lãnh đạo NBS nhấn mạnh, sự phục hồi của nhu cầu trong và ngoài nước sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Sự bùng nổ của các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ, năng lượng xanh, nỗ lực mở cửa và cải thiện phân phối thu nhập sẽ tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế chất lượng cao.

Thương mại ghi dấu ấn

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), năm 2021, tổng kim ngạch thương mại tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2020, lên 39,1 nghìn tỷ NDT (6,1 nghìn tỷ USD), với xuất khẩu tăng 21,2% và nhập khẩu tăng 21,5%. Đây là lần đầu tiên khối lượng giao dịch vượt mốc 6 nghìn tỷ USD.

Trong khi đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu vật tư y tế và dược phẩm tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, các sản phẩm liên quan đến làm việc và sinh hoạt tại nhà (như máy tính xách tay và thiết bị gia dụng) tăng 13,2% so với năm 2020.

Trả lời Beijing Review, ông Xu Hongcai, Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học chính sách Trung Quốc, nói: "Trung Quốc đã kiểm soát hiệu quả sự lây lan của Covid-19. Khi chuỗi cung ứng và công nghiệp phục hồi, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn đặt hàng ở nước ngoài hơn".

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được ký kết giữa 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, tạo nên khối thương mại lớn nhất thế giới. Năm 2021, xuất nhập khẩu của Trung Quốc với 14 thành viên RCEP khác đã tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2020, lên 12,07 nghìn tỷ NDT (1,9 nghìn tỷ USD), chiếm 30,9% khối lượng thương mại của nước này.

Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn là một thỏi nam châm thu hút đầu tư. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức cao kỷ lục 1,14 nghìn tỷ NDT (181 tỷ USD).

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) cho biết, dòng vốn FDI vào lĩnh vực dịch vụ tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 906,49 tỷ NDT (142,79 tỷ USD).

Theo MOFCOM, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ được khuyến khích hơn nữa.

Ông Zhao Jinping, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện cho biết, RCEP dự kiến ​​sẽ thúc đẩy đầu tư giữa Trung Quốc và các thành viên khác, khối này sẽ chiếm gần 30% tổng vốn FDI toàn cầu.

Do tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một số nền kinh tế mới nổi đã trải qua những biến động tài chính.

Tuy nhiên, hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn ổn định. Dự trữ ngoại hối của nước này ở mức 3,25 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 12/2021, tăng 27,8 tỷ USD so với tháng trước và đạt mức cao nhất trong 6 năm.

Tháng 12/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ từ 7% lên 9%.

Việc đồng NDT mạnh lên nhanh chóng sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô vừa và nhỏ. Động thái của ngân hàng trung ương có thể làm giảm tính thanh khoản của đồng USD để giảm bớt áp lực tăng giá đối với đồng NDT và ổn định tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền.

Công nghiệp tăng trưởng mạnh

Năm 2021, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng. Giá trị gia tăng sản lượng công nghiệp, một chỉ số kinh tế chính, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp nhà nước tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,8 nghìn tỷ NDT (283,56 tỷ USD).

Vào cuối năm 2021, tổng số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đã vượt quá 150 triệu, trong đó có hơn 100 triệu doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh giá nguyên vật liệu sản xuất tăng, chủ yếu bằng cách giảm thuế và phí, đồng thời cắt giảm chi phí tài chính.

Trong quý IV/2021, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hưởng lợi từ các chính sách giảm thuế chiếm 62,3% tổng số doanh nghiệp.

Các động lực mới đóng một vai trò lớn hơn. Năm ngoái, chi cho nghiên cứu và phát triển đã tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá trị gia tăng của ngành sản xuất công nghệ cao tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng xe chạy bằng năng lượng mới tăng 145,6% so với năm 2020.

Ngành dịch vụ đạt hơn 60 nghìn tỷ NDT (9,4 nghìn tỷ USD), tăng 8,2% so với cùng kỳ 2020, chiếm 53,3% GDP của cả nước, đóng góp 54,9% vào tăng trưởng kinh tế nói chung.

Năm 2021, tỷ trọng năng lượng sạch, bao gồm khí đốt tự nhiên, thủy điện, điện hạt nhân và điện gió, trong tiêu thụ điện tăng 1 điểm phần trăm so với năm trước.

Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng than giảm 0,8 điểm phần trăm. Mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, đã giảm 2,7% so với cùng kỳ 2020.

Ông Xu Hongcai nói: “Để thúc đẩy các doanh nghiệp xanh, các tổ chức tài chính cần hỗ trợ nhiều hơn để chuyển vốn vào các lĩnh vực này và tăng cường phát hành trái phiếu xanh”.

Nhu cầu phục hồi

Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng, một chỉ số chính của tăng trưởng tiêu dùng, đạt 44,08 nghìn tỷ NDT (6,93 nghìn tỷ USD) vào năm 2021, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh số bán lẻ trực tuyến đạt 13 nghìn tỷ NDT (2 nghìn tỷ USD) với mức tăng trưởng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo ông Xu: “Trong khi Mỹ chứng kiến ​​lạm phát cao nhất trong 40 năm vào tháng 11/2021, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020”.

Chi tiêu bình quân đầu người tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số bán ô tô, thiết bị gia dụng và đồ nội thất tăng trưởng chậm lại.

Ông Wen nói: “Tác động của Covid-19 đối với tiêu dùng vẫn còn nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi nỗ lực hơn nữa để ổn định nhu cầu trong nước.

Năm 2021, đầu tư vào tài sản cố định trên toàn quốc đã tăng 4,9% so với cùng kỳ 2020, lên hơn 54,45 nghìn tỷ NDT (8,56 nghìn tỷ USD). Theo NBS, chi phí nguyên vật liệu tăng, cộng với tác động của đại dịch và lũ lụt ở một số tỉnh, đã dẫn đến tăng trưởng đầu tư chậm lại trong 3 quý đầu năm.

Cũng theo nhà phân tích trưởng tại Ngân hàng Minsheng: “Tuy nhiên, đầu tư vào ngành sản xuất đã đạt mức tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2015”.

Ngành công nghiệp công nghệ cao cũng có mức tăng trưởng đầu tư 17,1% so với cùng kỳ 2020.

Theo ông Ning, việc cải thiện chi tiêu liên quan đến đổi mới sẽ thúc đẩy đầu tư vào ngành sản xuất, trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Năm 2021, Trung Quốc tạo ra 12,69 triệu việc làm ở thành thị, vượt mục tiêu hằng năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,1%, thấp hơn mục tiêu 5,5%.

Theo đại diện NBS, các hình thức việc làm mới đã thúc đẩy tạo việc làm. Sự phục hồi của các lĩnh vực như bán buôn và bán lẻ cũng “góp một tay”.

Chính phủ tiếp tục hướng tới mục tiêu thịnh vượng chung sau khi tình trạng nghèo đói được giảm bớt vào năm 2020. Sự phục hồi sản xuất và kinh doanh đã giúp ổn định thu nhập của người dân.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên toàn quốc ở mức 35.128 NDT (5.523 USD), tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo NBS, chính phủ tiếp tục kiềm chế thị trường bất động sản tăng trưởng nóng và mở rộng xây nhà cho thuê giá rẻ. Từ tháng 1-11/2021, khoảng 50.000 tòa chung cư đô thị cũ đã được cải tạo, vượt mục tiêu cả năm.

Triển vọng tương lai

Tuy ghi dấu ấn tượng trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức.

Trong một bài báo được xuất bản bởi Caixin Media, Lu Ting, nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc tại Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Nomura dự đoán tăng trưởng hằng năm khoảng 5%, cho rằng tăng trưởng xuất khẩu dự kiến ​​sẽ suy yếu và tác động của đại dịch sẽ kéo dài.

Khi nhiều quốc gia giảm bớt các biện pháp ngăn chặn đại dịch, tiêu dùng ở những quốc gia đó sẽ chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Các nền kinh tế lớn có thể giảm kích thích tài chính và sản xuất của các nước mới nổi có khả năng phục hồi.

Tất cả những thay đổi trên đều có khả năng gây ra áp lực giảm đối với xuất khẩu của Trung Quốc.

Đại dịch, xuất khẩu chậm lại và các chính sách mới về sử dụng năng lượng xanh cũng có thể ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất.

Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản dự kiến ​​sẽ giảm trong nửa đầu năm 2022 và vào cơ sở hạ tầng sẽ chỉ đóng góp vừa phải vào tăng trưởng GDP.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào tháng 12/2021, chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện các chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng, lấy ổn định là ưu tiên hàng đầu cho năm 2022.

Theo ông Xu Hongcai, thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc và việc giao thương với khoảng 120 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của nước này. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Trung Quốc cần mở rộng cửa và đẩy mạnh cơ cấu lại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, mức thuế thấp và bằng 0 theo RCEP sẽ giúp Trung Quốc tăng cường xuất khẩu. Giá hàng hóa quốc tế cũng dự kiến ​​sẽ giảm, bắt đầu từ quý 2 năm nay, điều này có lợi cho nhập khẩu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại