menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Ai sẽ tiên phong vì doanh nghiệp?

Người tiên phong luôn nhiều trách nhiệm và khó khăn.

Đang có câu hỏi: Liệu Bộ Xây dựng hay bộ, ngành nào có thể tiên phong, chủ động thực hiện rà soát, đánh giá quy định của pháp luật liên quan đến những vấn đề mà doanh nghiệp đưa ra.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hơn một lần cảm ơn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khi đích thân tham gia, chủ trì cuộc đối thoại với doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và các lĩnh vực liên quan.

Thay lời các doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI tin rằng, khi các ý kiến từ những người thực thi được Bộ trưởng lắng nghe, chắc chắn sẽ có những thay đổi trong chỉ đạo, điều hành các kế hoạch cải cách thể chế, thủ tục hành chính.

Suốt nhiều năm qua, khó khăn trong thực hiện thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng luôn là nóng nhất, được nhắc đến nhiều nhất trong các đợt khảo sát doanh nghiệp của VCCI. Điều này cũng dễ hiểu khi hầu như doanh nghiệp nào, dù nhỏ hay lớn, các hộ kinh doanh cá thể và cả người dân ít nhiều đều va chạm các thủ tục này. Vì vậy, khi doanh nghiệp chưa cảm nhận được sự thay đổi, vẫn đang thấy khó khăn, trục trặc trong thực hiện các quy định, quy trình liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai…, có nghĩa các bộ, ngành, địa phương chưa thể an tâm với những kết quả làm được.

Đó là một thực tế, cho dù hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính luôn là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, cũng như các bộ, ngành, địa phương nhiều năm qua.

Có thể nói, những việc mà Bộ Xây dựng làm được trong vài năm trở lại đây rất đáng kể. Riêng 10 tháng đầu năm 2021, đã có 59/172 điều kiện đầu tư, kinh doanh liên quan đến 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ được cắt giảm, đơn giản hóa; 9 thủ tục hành chính đã được tích hợp… Đặc biệt, Phương án Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến các hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ trong năm 2021 và năm 2022 vừa được Chính phủ phê duyệt, kèm theo nhiều công việc cụ thể…

Nhưng, nếu chỉ Bộ Xây dựng vào cuộc một cách riêng rẽ, nếu chỉ các quy định liên quan đến ngành xây dựng được rà soát, đánh giá, sửa đổi, thì sự thay đổi thực chất cho doanh nghiệp mà người đứng đầu ngành xây dựng đang kỳ vọng khi bắt tay vào việc sẽ khó thực hiện được.

Nhìn vào các thủ tục hành chính phổ biến nhất trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng, với 11 nhóm chính, gồm chủ trương đầu tư, các thủ tục về đất đai, môi trường, quy hoạch, cấp phép xây dựng, kết nối điện, nước, đăng ký sở hữu công trình xây dựng…, đã thấy phần trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và cả địa phương.

Ví như thời gian cấp phép xây dựng, các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc đang mất khoảng 37 ngày, trong khi doanh nghiệp ở Thanh Hóa, Vĩnh Long, Trà Vinh chỉ cần đợi 14 ngày. Hay các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng tại Hà Nội đang bị khoảng 27% doanh nghiệp phàn nàn, nhưng có tới 57% doanh nghiệp ở TP.HCM cảm nhận khó khăn…

Rõ ràng, một vài điểm thông thoáng không thể gỡ tắc cho cả quy trình.

Từ năm 2015, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã khởi xướng việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai… Khi đó, 37 vấn đề cần phải sửa đổi, thống nhất trong hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các ngành được gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành, với mong muốn tạo nên sự thay đổi đồng bộ, thống nhất. Nhưng rồi kết quả không mấy tích cực khi từng ngành, lĩnh vực có thay đổi, còn tính đồng bộ, hệ thống thì chưa rõ nét, các doanh nghiệp chưa cảm nhận được.

Lúc này, bài học kinh nghiệm về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các địa phương được nhắc lại, với đòi hỏi phải thay đổi cách làm, cách phối hợp trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Lý do là khi nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình chống chọi với tác động tiêu cực từ Covid-19 mà những vướng mắc về thủ tục hành chính càng trở nên quá nặng nề, thì rất dễ khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư nản trí.

Đang có các câu hỏi: Liệu Bộ Xây dựng hay bộ, ngành nào có thể nhận vai trò tiên phong, chủ động thực hiện rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật liên quan đến những vấn đề mà doanh nghiệp đưa ra, từ đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng lên phương án giải quyết? Liệu những khó khăn mà doanh nghiệp đang phản ánh có thể được đánh giá, phân tích theo cách rà soát lại tính phù hợp, khả thi của quy trình, thay vì chỉ cắt giảm các bước thủ tục đơn thuần?…

Cho dù đơn vị nào nhận vai, thì người tiên phong sẽ nhận nhiều hơn khó khăn, vất vả, trách nhiệm, nhưng đổi lại, chắc chắn sẽ là sự thay đổi thực chất cho doanh nghiệp, người dân. Doanh nghiệp đang mong có được điều này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại