Lừa đảo qua mạng - vấn đề được cảnh báo “muôn thuở” trên báo đài, các phương tiện truyền thông đại chúng. Thủ đoạn không hề mới lạ, nhưng các đối tượng lừa đảo nhắm vào người lớn tuổi, những người ở vùng nông thôn, nhẹ dạ cả tin để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người do thiếu hiểu biết đã quá tin vào các chiêu trò của đối tượng lừa đảo, khiến “tiền mất, tật mang”, chỉ đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn màng. Nhiều gia đình mất số tiền từ vài triệu đồng, nhưng cũng có người “sập bẫy” với số tiền lên tới cả trăm triệu đồng.
Dưới đây là 6 thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy.
Lừa đảo “chuyển nhầm tiền” vào tài khoản ngân hàng
Thủ đoạn của các đối tượng xấu là cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người nào đó. Sau khi bên kia nhận được tiền, đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt và yêu cầu họ trả lại số tiền đã nhận như một khoản vay cùng với số lãi cắt cổ. Cũng có trường hợp dựa vào sự thương xót của nạn nhân để đòi lại tiền bằng việc kể lể, than khóc với một tình huống bi đát của gia cảnh như nuôi mẹ già bệnh, chạy thận, con bị ung thư đang hoá trị ở bệnh viện… khiến nạn nhân vì nhẹ dạ cả tin mà chuyển khoản trả lại tiền, sau đó còn quyên góp thêm tiền để kẻ lừa đảo trị bệnh cho người thân.
Ở một kịch bản khác, đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản thông qua đường link giả. Bằng cách chuyển tiền cho chủ tài khoản, sau đó đối tượng liên hệ xin nhận lại nhưng thông báo rằng mình đang ở nước ngoài. Để trả lại số tiền này, người nhận chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền xong thông tin, toàn bộ số tiền trong tài khoản của người nhận sẽ bị chiếm đoạt.
Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ"
Hình thức của chiêu trò này như sau: Công ty du lịch sẽ quảng cáo rầm rộ trên mạng với các combo du lịch rẻ bất ngờ để lấy lòng tin và tạo hiệu ứng với khách hàng, đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc, thậm chí các công ty còn tổ chức đưa một số đoàn khách đi du lịch với giá rẻ để tiến hành lừa đảo quy mô lớn.
Nhiều khách hàng đã bỏ ra số tiền vài triệu đến vài chục triệu nhằm mua những “combo du lịch giá rẻ" nhưng đến ngày khởi hành thì… các công ty “ma” bỗng dưng “bốc hơi”. Tháng 8/2022, chị M.H (Hoàng Mai, Hà Nội) trình báo cơ quan cho biết chị đã đặt cọc 100% hơn 300.000.000 đồng để đặt “combo du lịch" cho cả công ty ở Phú Quốc. Đến gần ngày đi, nhân viên làm việc với chị M.H của công ty du lịch kia đã chặn liên lạc của chị, trang website của công ty bị biến mất.
Lúc này chị M.H mới hoảng hốt biết mình bị lừa đảo, ra cơ quan chức năng để trình báo nhưng nguy cơ tìm được các đối tượng lừa đảo rất mong manh vì ngoài website và số điện thoại của công ty du lịch, chị M.H không còn một thông tin nào khác ngoài cái tên giả mạo.
Lừa đảo cho số đánh lô đề
Bằng điện thoại, email, tin nhắn hoặc mạng xã hội, nhóm đối tượng lừa đảo quảng cáo về việc cung cấp số lô, số đề may mắn có khả năng trúng thưởng lớn. Để tạo thêm niềm tin cho “con mồi", kẻ lừa đảo sử dụng các câu chuyện thành công, chứng cứ giả và những lời tán tụng để tạo niềm tin và thuyết phục người khác rằng họ có khả năng đưa ra các số lô, số đề chính xác. Họ tự xưng là những người có khả năng tiên tri, đoán trước tương lai và biết đến con mồi nhờ “dẫn dắt của vũ trụ".
Tuy nhiên, những đối tượng lừa đảo lại yêu cầu người khác đóng một khoản phí trước để nhận được các số lô, số đề may mắn. Họ thường đưa ra lý do như phí dịch vụ, phí tiên tri hoặc phí đăng ký… Và họ còn khuyến khích những “con mồi" đánh số lô, số đề mà họ đã cung cấp.
Trong trường hợp người khác không trúng thưởng, kẻ lừa đảo không trả lại số tiền phí mà người khác đã đóng trước đó. Họ sử dụng lý do rằng đó là một khoản phí không hoàn lại hoặc chi phí liên quan đến việc cung cấp các số lô, số đề. Nếu người khác trúng thưởng, kẻ lừa đảo yêu cầu người đó chia hoa hồng hoặc trả một phần tiền thưởng cho mình dưới danh nghĩa đã cung cấp các số lô, số đề may mắn.
Lừa đảo tình cảm khi tham gia hội nhóm “ghép đôi, ghép cặp"
Nhiều chiêu trò lừa đảo “tình cảm” qua các hội nhóm, mạng…
Để tham gia vào các hội nhóm “ghép đôi, ghép cặp, tìm bạn đời…” trên MXH, nạn nhân sẽ phải nạp tiền để kích hoạt thẻ thành viên và nhận phần hoa hồng từ việc nạp tiền. Sau khi kích hoạt thẻ thành công, các đối tượng lấy lý do báo lỗi hệ thống, yêu cầu nạn nhân liên tiếp chuyển tiền nhiều lần cho đến khi tài khoản ngân hàng của họ “nhẵn túi". Sau khi con mồi đã sập bẫy, các đối tượng lại yêu cầu gặp lãnh đạo cấp trên của câu lạc bộ để hỗ trợ rút tiền trực tiếp tại ngân hàng. Tại đây, họ lại được yêu cầu nạp thêm tiền để xác minh tài khoản, sau đó nạp phí “bồi thường" khi rút tiền khỏi tài khoản… Đến cuối cùng, nạn nhân hoàn toàn “rỗng túi", thậm chí là mất sạch gia tài. Đã có trường hợp ở Hà Nội nam nạn nhân mất tổng hơn 8 tỷ đồng vì sập bẫy nhóm “tình yêu Mỹ Nhân Love".
Rất nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng nhiều người đang tìm kiếm bạn, người yêu qua mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn đàn để lừa đảo tình cảm. Theo đó, kẻ lừa đảo tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn, sau đó sử dụng các chiêu trò lừa đảo để thu hút sự quan tâm của nạn nhân. Nhiều người còn câu dẫn nạn nhân, nhờ giúp đỡ sau khi con mồi đã “cắn câu". Kết cục, nạn nhân sẽ mất cả “tình lẫn tiền", nhiều người còn phải đi vay mượn khắp nơi để “nuông chiều" người bạn tình trên MXH dẫn đến cái kết đổ nợ.
Lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư và tự gọi là “chơi Forex”... Một số kẻ lừa đảo tinh vi thì sử dụng nhiều cách khác nhau để thuyết phục nạn nhân tham gia đầu tư vào thị trường tài chính Forex thông qua một sàn giao dịch giả mạo mà kẻ lừa đảo kiểm soát.
Các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tư vấn người chơi “đánh lệnh”. Tuy nhiên khi thắng mà muốn rút tiền thì nạn nhân sẽ không rút ra được, bắt phải đóng phí giao dịch, đóng thuế hoặc bảo là tài khoản bị sai thông tin, phải đóng tiền để xác minh chứng thực... Cứ thế cho đến khi nạn nhân hết sạch tiền, phá sản.
Cần luôn tỉnh táo trong mọi trường hợp.
Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư mất hết tiền trong tài khoản. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.
Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao
Những ngày gần đây, nhiều người dùng di động liên tục nhận được cuộc gọi mạo danh cơ quan quản lý nhà nước hoặc nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân phục vụ chuẩn hóa thông tin thuê bao, nếu không sẽ khoá máy. Đa số người dùng cho biết người gọi xưng là người của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Cục Viễn thông thông báo số điện thoại của họ sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 tiếng nữa nếu không bấm phím 2 và khai báo thông tin để chuẩn hóa dữ liệu thuê bao.
Sau khi người dùng cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng mạo danh, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện một số bước tiếp theo như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi... Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Chia sẻ thông tin hữu ích