menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Thanh Hoa

"Phản ứng" của Thống đốc khi DN kêu "kẹt vốn", lãi suất cao vì ngân hàng không được nới room tín dụng

Thiếu vốn, sức ép tài chính lớn, ngân hàng không được nới room tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao,... đó là những khó khăn hiện hữu của nhiều doanh nghiệp.

Doanh nghiệp "khóc ròng" vì thiếu vốn, lãi vay cao

Trăn trở về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, sau đại dịch, ngành du lịch nói chung và Vietravel nói riêng đã đưa ra 3 chiến dịch là rã đông, phục hồi, phát triển. Sau rã đông là phục hồi. Điều đáng nói, trong giai đoạn này sức ép về tài chính rất lớn.

"Phản ứng" của Thống đốc khi DN kêu "kẹt vốn", lãi suất cao vì ngân hàng không được nới room tín dụng

ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel

Dẫn chứng ngay từ bản thân Vietravel, ông Kỳ cho hay, Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch vừa là doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên sức ép tài chính rất lớn. Bởi doanh nghiệp vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách.

Mặc dù có những hỗ trợ của Chính phủ với người lao động nhưng quy mô rất nhỏ, không có tác động lớn đến sự thay đổi để phục hồi ngành du lịch. Các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều. Gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp không tiếp cận được, nhiều rào cản.

"Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong hai năm dịch đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được", ông Kỳ bày tỏ.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cũng kêu "kẹt" vốn, nguyên nhân là do ngân hàng "siết" tín dụng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, việc tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.

"Điều này đồng nghĩa với việc tồn kho sẽ tăng, sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng trong một tuần qua đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân", ông Nam nói và mong muốn Thủ tướng cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chỉ đạo giúp cho các vấn đề đang diễn ra trong một tuần qua.

"Phản ứng" của Thống đốc khi DN kêu "kẹt vốn", lãi suất cao vì ngân hàng không được nới room tín dụng

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phần lớn (khoảng 90%) là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ.

"Tất cả các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ trong khi vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm nên có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ. Chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ", ông Hiệp phản ánh.

Cũng theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng đại đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn hạn hẹp, khi thực hiện các hợp đồng xây dựng phần lớn chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công.

"Thực chất công trường xây dựng cũng phải lo sản xuất, lo đời sống, công ăn việc làm cho người lao động không khác gì một nhà máy nhưng tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng lại hoàn toàn chưa được ưu tiên như cho sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng không được nới room tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao", ông Hiệp cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất Thủ tướng giao NHNN có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.

"Phản ứng" của Thống đốc khi DN kêu "kẹt vốn", lãi suất cao vì ngân hàng không được nới room tín dụng

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Về phía doanh nghiệp bất động sản (BĐS), dẫn chứng từ TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, chỉ riêng lĩnh vực BĐS là tăng trưởng âm, giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2021, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị NHNN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, làm thế nào để tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn.

Cùng với đó, ông đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu để thị trường minh bạch, an toàn.

"Phản ứng" của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Lắng nghe những phản ánh từ phía doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN cảm nhận được áp lực từ nhiều phía.

Chẳng hạn, với lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp.

Về tín dụng, tháo gỡ tín dụng cho thị trường BĐS nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định đây là áp lực lớn đối với NHNN và đặc biệt là với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

"Từ góc độ như vậy, NHNN điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chúng ta đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quên giai đoạn đó. Vì vậy, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

"Phản ứng" của Thống đốc khi DN kêu "kẹt vốn", lãi suất cao vì ngân hàng không được nới room tín dụng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: BaoChinhphu)

Theo người đứng đầu NHNN, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình khó khăn chung nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã cố gắng điều hành cơ bản ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và kinh tế vĩ mô. Trong thời gian tới vẫn phải triển khai những công việc còn tồn đọng, khó khăn trước như tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng…

Riêng về tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định tăng trưởng tín dụng phải đạt được mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Đối với tăng trưởng tín dụng, Thống đốc cho biết thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.

Đối với thị trường bất động sản, nguồn vốn của BĐS giải quyết được rất nhiều "kênh" từ FDI, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng chỉ là 1 kênh.

Với ý kiến của Hiệp hội BĐS về việc kiều hối cũng là nguồn đầu tư BĐS nhưng trong bối cảnh tỷ giá USD mạnh lên, lãi suất quốc tế tăng dòng kiều hối sẽ hạn chế vào, thậm chí còn chuyển ra, Thống đốc cho rằng điều này sẽ đặt áp lực cho NHNN về điều hành tỷ giá. Đây là bài toán tổng thể và chính sách tiền tệ cũng là một trong những chính sách về kinh tế vĩ mô nên cần hài hòa với những mục tiêu tổng thể.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
1 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại