menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Hà

'Công tác thanh tra chưa đảm bảo tính độc lập'

Trả lời về mối quan hệ giữa thanh tra với lãnh đạo địa phương, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận công tác thanh tra chưa đảm bảo tính độc lập.

Chiều 17/8, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, báo cáo thêm về quan hệ giữa hệ thống thanh tra các cấp với lãnh đạo chính quyền địa phương, làm rõ tính độc lập của cơ quan này trong dự luật này cũng như quyền hạn của trưởng đoàn, chánh thanh tra.

"Thanh tra Sở muốn công bố kết luận nhanh, UBND tỉnh muốn chậm lại, có việc đó không? Đây là nội dung quan trọng nhưng chưa thấy đề cập", ông Huệ nói, cho rằng việc sửa luật là cơ hội tốt khắc phục những tồn tại này.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận "tính độc lập về chuyên môn thì công tác thanh tra chưa bảo đảm". Hiện với các cuộc thanh tra, Thanh tra Chính phủ đều phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, nhưng Thủ tướng không có thời gian xem, chủ yếu là phó thủ tướng xem, sau đó lại xin ý kiến các bộ ngành.

Tuy nhiên, ý kiến của bộ ngành rất chung chung, nhiều khi có tình trạng né tránh. Ông Phong cho rằng tính độc lập về chuyên môn không cao là thuộc về khâu tổ chức thực hiện, chứ không hẳn quy định của luật. Bất cập này dẫn đến thực trạng có những vụ 5-6 năm chưa kết luận được.

Đề cập hướng sửa đổi luật, ông Phong nói, Điều 74 của dự thảo đã quy định trong 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Ông cũng đề nghị quy định những việc được Trung ương, Thủ tướng giao và những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng hoặc Chính phủ.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xác định rõ hơn thẩm quyền cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra, các cơ quan trong hệ thống tránh khoảng trống pháp luật; làm rõ quy trình, công bố và thực hiện kết luận.

Để đảm bảo tính độc lập của hoạt động thanh tra, ông Định đề xuất luật cần xác định cụ thể việc gì xin ý kiến, việc gì cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có quyền chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền. "Đề nghị đoàn, cơ quan thanh tra, chánh thanh tra không cứ tự nhiên xin ý kiến. Đây là biểu hiện của sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc", Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua năm 2010. Sau hơn 10 năm triển khai, luật đã tạo hành lang pháp lý trong hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, Luật hiện hành chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại