24HMoney
Nền kinh tế xứ sở chùa Vàng đã tăng trưởng gấp đôi trong năm 2023 như thế nào?
Tính đến nửa đầu năm 2023, có 478 startup đã được thành lập và đang hoạt động trên thị trường Thái Lan. Mặc dù những nỗ lực này vẫn chưa đủ mạnh mẽ so với các quốc gia trong khu vực như Singapore hay Malaysia, nhưng đây được coi là bước khởi đầu tích cực để đảm bảo Hệ sinh thái khởi nghiệp Thái Lan có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Điểm sáng trong hệ sinh thái khởi nghiệp Thái Lan 2023
Trong vòng bốn mươi năm qua, Thái Lan đã có bước nhảy vọt trong tăng trưởng kinh tế, trở thành quốc gia phát triển hơn nhờ vào nhiều hoạt động cải cách và đổi mới xã hội. Năm 2023, đầu tư cho R&D của Thái Lan chiếm 1,1% GDP cả nước. Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo Mở 2023, mức đầu tư R&D trung bình thế giới đạt 2,3% GDP. Điều đó lí giải cho Chỉ số Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu của Thái Lan năm nay xếp thứ 52, tăng một bậc so với năm trước.
Năm 2023 chứng kiến nhiều dấu ấn quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp Thái Lan, những dấu ấn này đã được ghi lại trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo Mở 2023. Dữ liệu từ báo cáo cũng cho thấy đây là năm thứ 3 Thái Lan giữ vững thứ hạng 43 toàn cầu về Chỉ số Đổi mới Sáng tạo GII kể từ năm 2021. Cũng trong năm này, Triển lãm Startup & Đổi mới Thái Lan 2023 (SITE 2023) đã diễn ra tại Bangkok với sự quy tụ của hơn 250 startup, 50 tổ chức chính phủ và 10 hệ sinh thái trên thế giới.
Nền kinh tế xứ sở chùa Vàng đã tăng trưởng gấp đôi trong năm 2023 như thế nào?
Triển lãm Startup & Đổi mới Thái Lan 2023 (SITE 2023) diễn ra tại Bangkok
Diễn đàn Doanh nghiệp Thái - Việt 2023 đã diễn ra tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan, với chủ đề “1+1= Cơ hội và thời cơ không giới hạn”. Diễn đàn là nơi các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Thái Lan có thể gặp gỡ, chia sẻ thông tin, ý tưởng, kiến thức, kinh nghiệm, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển chung.
Nền kinh tế xứ sở chùa Vàng đã tăng trưởng gấp đôi trong năm 2023 như thế nào?
Diễn đàn Doanh nghiệp Thái - Việt 2023 đã diễn ra tại Thủ đô Bangkok
Nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Thái Lan
Năm 2023, Bangkok tăng 25 bậc, leo lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các thành phố dẫn đầu về khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Từ đây, Thái Lan đặt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư trên toàn cầu.
Theo thông tin từ Bangkok Post, Giám đốc Cơ quan Đổi mới quốc gia (NIA) của Thái Lan Krithpaka Boonfueng cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm đang phát triển ở Thái Lan đang ở ngã ba đường. Những thách thức mà Thái Lan đang phải đối mặt bao gồm việc hạn chế vốn rủi ro cũng như các câu chuyện thành công của các startup kỳ lân.
Đối mặt với những thách thức này, Chính phủ Thái Lan đang đề xuất các sáng kiến để nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua sự hỗ trợ từ chính phủ, tầm nhìn quốc gia mạnh mẽ và sự phối hợp của nhiều cơ quan. Cuối năm 2023, NIA công bố một dự án nhằm nuôi dưỡng 10.000 công ty khởi nghiệp (startup). Mục tiêu của dự án này là hỗ trợ và phát triển các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp và y tế đến cuối năm 2027.
Bắt đầu từ năm 2024, Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch mở rộng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả các startup. Dự kiến, Chính phủ sẽ cung cấp 5 tỷ baht cho các khoản tài trợ và quỹ đầu tư của NIA, gấp đôi số tiền được phân bổ trong 4 năm trước đó. Thông qua những nỗ lực này, Thái Lan kỳ vọng sẽ lọt TOP 30 quốc gia hàng đầu thế giới về đổi mới công nghệ vào năm 2030.
Ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận cũng là nhân tố xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững tại xứ sở chùa Vàng. Hiệp hội Liên minh Công nghệ Khởi nghiệp Thái Lan (TTSA) là một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp tại Thái Lan. TTSA cung cấp cơ hội kết nối, đào tạo và cố vấn dành cho các doanh nhân.
Kinh nghiệm chiến lược phát triển đổi mới của Thái Lan
Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo Mở 2023, tỉ lệ đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D) so với GDP của Thái Lan là 1,3%, trong khi ở Việt Nam chỉ là 0,4%. Dữ liệu này cho thấy rằng chi phí cho R&D ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan. Sự chênh lệch này gợi lên mối lo ngại về một thách thức lớn đối với khả năng tăng năng suất bằng việc đổi mới công nghệ.
Nhờ tăng cường đầu tư vào R&D, Thái Lan đã thành công xây dựng một môi trường hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhìn chung, những học hỏi từ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Thái Lan có thể giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy” tăng trưởng âm. Doanh nghiệp Việt thực sự cần cú hích thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D), gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh bền vững với các nguồn lực đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, các chính sách khuyến khích và giải pháp sáng tạo của chính phủ Thái Lan cũng là nguồn cảm hứng cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh một năm 2023 nhiều biến động. Việc nắm bắt kinh nghiệm từ các chính sách khuyến khích và các cơ quan hỗ trợ như NIA và TTSA nhấn mạnh vai trò Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra các ưu đãi để xây dựng các chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhi Thiệu