24HMoney
Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo (P2)

Sự khác nhau giữa Đổi mới sáng tạo đóng và Đổi mới sáng tạo mở
Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo (P2)
Đổi mới sáng tạo đóng và Đổi mới sáng tạo mở
Sự khác biệt chính giữa Open innovation và Innovation truyền thống nằm ở cách thức tạo ra sự đổi mới.
Trong khi Innovation truyền thống giới hạn sự đổi mới trong nội bộ tổ chức thì Open innovation lại mở rộng phạm vi để kết hợp với các kiến thức bên ngoài. Đổi mới sáng tạo truyền thống (hay ĐMST đóng) thường sử dụng quy trình hình phễu: lựa chọn ý tưởng, phát triển và tạo mẫu, mọi thông tin sẽ được lưu trữ trong phạm vi nội bộ và không được chia sẻ ra bên ngoài.
Ngược lại, khi doanh nghiệp áp dụng OI, xuyên suốt giai đoạn hình thành và phát triển, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận những đóng góp từ bên ngoài doanh nghiệp. Những đóng góp này sẽ góp phần giúp các ý tưởng được kết nối tốt hơn với thị trường và đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng, tăng chất lượng các ý tưởng thu được thông qua các mô hình đổi mới mở, phát triển công nghệ nhanh hơn và giảm rủi ro tối thiểu do sự kết nối của nó với thế giới bên ngoài.
Open innovation đặc biệt phù hợp với bối cảnh thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh của kỷ nguyên số. Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, do nhu cầu và hành vi của khách hàng không ngừng biến đổi, rất ít doanh nghiệp trên thế giới có thể tự tin nghiên cứu và phát triển công nghệ mới theo kiểu khép kín mà không tích hợp vào quá trình đó các sáng kiến và ý tưởng từ bên ngoài doanh nghiệp.
Ngay cả những ông lớn của Nhật Bản như Honda, vốn trung thành với chiến lược tự chủ nghiên cứu và sản xuất mọi thứ bên trong doanh nghiệp, ngày nay cũng phải hợp tác với các đối thủ cạnh tranh và các doanh nghiệp startup để nghiên cứu các công nghệ mới, đặc biệt công nghệ pin điện dành cho ô tô chạy điện.
Các mô hình Đổi Mới Sáng Tạo Mở
Hiện nay có 4 loại hình Đổi Mới Sáng Tạo Mở phổ biến sau:
Thu hút ý tưởng Từ bên ngoài (outside-in open innovation)
Một trong những ví dụ điển hình của hình thức đổi mới sáng tạo mở ngoài-vào là các doanh nghiệp tìm kiếm và phát hiện ý tưởng sáng tạo từ các startup tại các vườn ươm hoặc trung tâm khởi nghiệp. Với chiến lược này, doanh nghiệp có thể thu hút những ý tưởng đột phá, giải pháp mới mẻ và công nghệ tiên tiến mà có thể không xuất hiện trong nội bộ công ty.
Đổi mới sáng tạo outside-in không chỉ dừng lại ở việc tận dụng các ý tưởng của startup mà còn mở rộng ra nhiều nguồn khác như khách hàng, nhà cung cấp, trường đại học, và các viện nghiên cứu. Thông qua việc hợp tác với những đối tác này, doanh nghiệp có thể khai thác tri thức chuyên sâu, nguồn lực dồi dào và công nghệ hiện đại từ bên ngoài, giúp rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, cải tiến quy trình, và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Quan trọng hơn, hình thức Đổi Mới Sáng Tạo mở này còn giúp doanh nghiệp khám phá những xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn, và đặc biệt là gia tăng tính linh hoạt trong việc xử lý các thách thức kinh doanh. Điều này không chỉ thúc đẩy sự đổi mới mà còn tạo nền tảng cho sự hợp tác lâu dài và chiến lược giữa doanh nghiệp và các đối tác bên ngoài.
Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo (P2)
Outside-in open innovation là một trong các mô hình ĐMST Mở phổ biến (Nguồn: Sưu tầm)
Ý tưởng được khởi nguồn từ bên trong (inside-out open innovation)
Khi doanh nghiệp đã có ý tưởng sáng tạo từ nội bộ, nếu có yêu cầu cụ thể từ phía khách hàng, họ thường sẽ liên kết với một tổ chức bên ngoài để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây là một trong những cách mà doanh nghiệp có thể đẩy mạnh chiến lược đổi mới sáng tạo inside-out, giúp biến các ý tưởng thành hiện thực thông qua sự hợp tác với các đối tác bên ngoài.
Inside-out open innovation không chỉ dừng lại ở việc liên kết để thực hiện các dự án R&D, mà còn mở ra nhiều con đường khác để doanh nghiệp có thể thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình. Các công ty có thể cấp phép sử dụng công nghệ, bán công nghệ hoặc thậm chí tách riêng các dự án khởi nguồn từ nội bộ thành các doanh nghiệp mới. Điều này không chỉ giúp tạo ra doanh thu mới mà còn giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm không thuộc lĩnh vực cốt lõi của mình.
Việc chuyển giao các sáng kiến nội bộ cho các đối tác bên ngoài còn giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào các mảng kinh doanh chính, trong khi vẫn đảm bảo rằng các sáng kiến và công nghệ mới được phát triển và khai thác một cách hiệu quả. Đây là một cách tiếp cận linh hoạt, cho phép doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn mà không phải gánh chịu toàn bộ chi phí và rủi ro của quá trình phát triển sản phẩm mới.
Đổi Mới Sáng Tạo mở kết hợp (coupled open innovation)
Đổi mới sáng tạo mở kết hợp (Coupled open innovation) là việc kết hợp các ý tưởng và công nghệ từ bên trong và bên ngoài để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, quy trình hoặc mô hình kinh doanh mới.
Ví dụ điển hình là khi doanh nghiệp sử dụng các công nghệ nội bộ nhưng cần thêm những ý tưởng từ các đối tác bên ngoài để phát triển sản phẩm cuối cùng. Ngược lại, các ý tưởng từ bên ngoài có thể được thúc đẩy bởi các nguồn lực và kiến thức nội bộ để tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn.
Sự kết hợp này tối ưu hóa việc khai thác tài sản trí tuệ nội bộ đồng thời tiếp nhận ý tưởng và công nghệ từ bên ngoài, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua các thách thức về văn hóa, chẳng hạn như kháng cự với sự thay đổi, mà còn tăng tốc quá trình đổi mới thông qua việc phối hợp sức mạnh của nhiều nguồn lực khác nhau.
Hợp tác đổi mới sáng tạo giữa các bên (Collaborative open innovation)
Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ liên kết với một hoặc nhiều tổ chức khác để cùng triển khai các hoạt động đổi mới, chẳng hạn như cùng thực hiện R&D. Việc hợp tác có thể mở rộng ra ngoài phạm vi thông thường khi các doanh nghiệp hợp tác với đối thủ cạnh tranh, startups, hoặc các tổ chức khác để cùng phát triển và thương mại hóa ý tưởng, công nghệ, và tri thức.
Việc hợp tác không chỉ là sự liên kết tạm thời mà còn tạo nên mối quan hệ chiến lược lâu dài, giúp các bên tham gia tối ưu hóa sức mạnh của mình và cùng nhau phát triển trên thị trường.
Mặc dù cùng là kết hợp với các tổ chức bên ngoài để làm đổi mới sáng tạo mở, 2 hình thức coupled open innovation và collaborative open innovation có những sự khác biệt rõ rệt. Coupled open innovation tích hợp các ý tưởng và công nghệ nội bộ với các nguồn lực bên ngoài để phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới, trong khi collaborative open innovation tập trung vào việc hợp tác lâu dài và sâu rộng với các đối tác để đồng phát triển ý tưởng và công nghệ.
Hình thức coupled open innovation thường có tính chất dự án ngắn hạn và linh hoạt, trong khi collaborative open innovation hướng đến những mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài và toàn diện hơn. Sự sở hữu trí tuệ trong ĐMST kết hợp thường tập trung vào bên phát triển R&D, còn trong ĐMST liên kết, quyền sở hữu có thể được chia sẻ giữa các bên hợp tác.
Vai trò của các bên trong hệ sinh thái Đổi Mới Sáng Tạo mở
Dù theo hình thái nào, hệ sinh thái Open innovation được đặc trưng bởi 2 đối tượng chính, mỗi đối tượng sẽ đảm đương một vai trò và trách nhiệm khác nhau:
R&D nội bộ: Các nhóm nghiên cứu bên trong tổ chức, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm hiểu những vấn đề của doanh nghiệp, sau đó kết hợp với mạng lưới tri thức bên ngoài để tìm lời giải; hoặc thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo bên ngoài phát hiện các ý tưởng, các giải pháp có giá trị, qua đó đề xuất đầu tư để triển khai ứng dụng phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.
Nguồn lực bên ngoài: Mạng lưới đổi mới sáng tạo trên bình diện quốc gia cũng như toàn cầu gồm các nhà khoa học, các doanh nhân, các viện nghiên cứu, trường đại học, các vườn ươm khởi nghiệp, tăng tốc khởi nghiệp là nguồn cung cấp ý tưởng, giải pháp sáng tạo phong phú, đa dạng cho bất cứ doanh nghiệp nào, thuộc bất cứ ngành công nghiệp nào.
Các ví dụ về Đổi Mới Sáng Tạo mở
Sau đây là 3 ví dụ về đổi mới sáng tạo của các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới mà các doanh nghiệp có thể tham khảo:
Lego
LEGO đã khéo léo áp dụng chiến lược Đổi Mới Sáng Tạo mở thông qua nền tảng LEGO Ideas, ra mắt vào năm 2008. Nền tảng này hoan nghênh tất cả mọi người gửi ý tưởng thiết kế cho các bộ lắp ghép và nhân vật làm từ gạch LEGO. Những thiết kế nhận được nhiều sự ủng hộ, yêu thích từ cộng đồng sẽ có cơ hội trở thành sản phẩm chính thức của hãng, điển hình như các bộ Central Perk, Big Bang Theory và Adventure Time. Nhờ việc khai thác ý tưởng từ người hâm mộ, LEGO không chỉ nắm bắt được xu hướng và văn hóa đại chúng theo thời gian thực mà còn mở rộng tệp khách hàng đa dạng hơn, vượt xa các sản phẩm truyền thống.
Chiến lược đổi mới sáng tạo mở này không chỉ giúp LEGO duy trì sự gắn kết với cộng đồng mà còn liên tục mang đến nguồn cảm hứng và ý tưởng mới mẻ cho sản phẩm.
Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo (P2)
Bộ Lego Central Perk được tạo ra từ hình thức Đổi Mới Sáng Tạo mở (Nguồn: Sưu tầm)
Samsung
Samsung là một trong những công ty dẫn đầu về đổi mới sáng tạo toàn cầu, với nhiều chiến lược toàn diện kết hợp cả nguồn lực nội bộ và bên ngoài để thúc đẩy các ý tưởng và công nghệ mới.
Để nuôi dưỡng các ý tưởng nội bộ, Samsung tổ chức chương trình C-Lab Inside, cho phép nhân viên phát triển các start-up của riêng mình trong thời gian 5 năm mà không phải lo lắng về việc mất việc. Những dự án thành công như Blockbuster, ứng dụng cho phép người dùng áp dụng hiệu ứng 3D vào video trên smartphone, và SunnyFive, thiết bị tạo ánh sáng mặt trời nhân tạo, đã ra đời từ chương trình này. Tính đến nay, C-Lab Inside đã tạo ra 45 start-ups và mang lại lợi nhuận gấp ba lần so với khoản đầu tư ban đầu 45 triệu USD của Samsung.
Điều này cho thấy rằng đổi mới sáng tạo mở không chỉ là một sáng kiến mà đã trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược dài hạn của tập đoàn.
Bosch
Để có thể luôn mang đến luôn mang đến những giải pháp tuyệt vời để truyền cảm hứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, Bosch liên tục theo đuổi những mục tiêu này, Bosch - tập đoàn kỹ thuật và công nghệ đa quốc gia của Đức - đã ra mắt nền tảng Hợp Tác Đổi Mới Sáng Tạo Mở Bosch.
Nền tảng này mở ra cơ hội cho các startup, trường đại học, tập đoàn lớn và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực gửi giải pháp của mình. Đây là cầu nối giúp Bosch tiếp cận các ý tưởng từ bên ngoài và hợp tác sáng tạo cùng những đối tác bên ngoài.
Khi đã xác định được những giải pháp triển vọng, các ý tưởng sẽ được phát triển theo quy trình giai đoạn rõ ràng, giúp đẩy nhanh tiến trình từ ý tưởng đến đánh giá, và cuối cùng là triển khai thực tế.
Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo (P2)
Bosch là một trong những công ty áp dụng open innovation rất thành công (Nguồn: Sưu tầm)
Tổng kết
Qua 2 bài viết chi tiết về "Đổi Mới Sáng Tạo mở là gì" này, BambuUP đã cung cấp cái nhìn tổng quan về Open Innovation (OI) - Đổi Mới Sáng Tạo mở, một xu hướng thiết yếu cũng như là một phương pháp quan trọng giúp các tổ chức khai thác ý tưởng, chuyên môn và nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững.
Việc áp dụng phương pháp này không chỉ giúp thúc đẩy sự hợp tác và sáng tạo mà còn giúp các tổ chức thích ứng nhanh chóng với các thay đổi trên thị trường. Để thành công, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, sẵn sàng hợp tác và cam kết xây dựng môi trường hỗ trợ đổi mới. ĐSMT mở là một quá trình liên tục đòi hỏi học hỏi và cải tiến liên tục, và các tổ chức phải luôn sẵn sàng đón nhận các cơ hội và thách thức mới để giữ vững vị trí cạnh tranh.
Các câu hỏi thường gặp
Đổi Mới Sáng Tạo mở là gì?
Đổi mới sáng tạo mở là một chiến lược kinh doanh khuyến khích các tổ chức không chỉ dựa vào nguồn lực và kiến thức nội bộ (như đội ngũ nhân viên hoặc bộ phận R&D), mà còn tận dụng các nguồn lực bên ngoài như phản hồi từ khách hàng, bằng sáng chế, đối thủ cạnh tranh, agency, công chúng,...v..v... để thúc đẩy quá trình đổi mới. Chiến lược này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quy trình sản xuất hoặc mô hình kinh doanh, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và thương mại hóa.
Lợi ích của Đổi Mới Sáng Tạo mở là gì?
Áp dụng Đổi Mới Sáng Tạo mở mang lại nhiều lợi ích quan trọng, như khả năng nắm bắt nhanh chóng các xu hướng thị trường, thúc đẩy văn hóa sáng tạo, tiếp cận với nhiều ý tưởng và công nghệ tiên tiến, mở ra cơ hội đầu tư mới, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí và thời gian phát triển sản phẩm mới, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.
Vì sao Đổi Mới Sáng Tạo mở quan trọng?
Đổi Mới Sáng Tạo mở rất quan trọng vì nó giúp doanh nghiệp tiếp cận tài nguyên và chuyên môn từ các đối tác bên ngoài như khách hàng, nhà cung cấp, và các tổ chức nghiên cứu. Sự hợp tác này không chỉ tăng tốc quá trình phát triển sản phẩm và dịch vụ mới mà còn giúp giảm chi phí và quản lý rủi ro hiệu quả, thúc đẩy nhiều mối quan hệ hợp tác chiến lược, mở rộng nguồn lực và công nghệ, đồng thời cải thiện sự hài lòng của khách hàng bằng cách tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu của họ.
Có bao nhiêu hình thức Đổi Mới Sáng Tạo mở?
Có 4 hình thức là: Thu hút ý tưởng từ bên ngoài (inside-out), Ý tưởng được khởi nguồn từ bên trong (outside-in), Đổi Mới Sáng Tạo mở kết hợp (coupled open innovation), và Hợp tác đổi mới sáng tạo liên kết (collaborative open innovation).