24HMoney
Biến sự liều lĩnh thành “Vững tâm” trong đổi mới sáng tạo
Nhân vật: Chị Tuyết Nguyễn - Phó Giám đốc BambuUP
Biến sự liều lĩnh thành “Vững tâm” trong đổi mới sáng tạo
Năm 2022, chúng ta nhìn vào những số liệu xanh lá của thị trường và cho rằng mọi thứ đã có tiến triển. Tuy nhiên, với một số nhà nghiên cứu dữ liệu hay chuyên gia phân tích thị trường, họ không cập nhật con số của năm 2020, 2021 vào trong biểu đồ, bởi vì nó không có tác dụng đối với việc nhìn nhận bức tranh phát triển tổng thể.
“Covid-19 đã giết tất cả những con số” - Ông James Tan, Managing Partners, Quest Ventures
Một số công ty đã sống sót qua đại dịch, trong khi những người khác lại không. Nếu công ty của bạn đã vượt qua được khó khăn, thì bây giờ không phải là thời điểm để tự mãn.
“Thứ duy nhất không thay đổi đó chính là sự thay đổi” - Chị Tuyết nói.
Thông qua chia sẻ của chị đối với series Fearless Innovators lần này, chúng tôi hiểu được tinh thần “bất biến của vạn biến”. Bối cảnh biến động hậu đại dịch đã khẳng định vai trò của đổi mới sáng tạo đối với nền kinh tế.
Đây là thời điểm mà chỉ có chất lượng và sự cải tiến sẽ tồn tại bền bỉ.
Một hệ sinh thái hướng về giá trị thật
“Mỗi chủ thể trong toàn bộ hệ sinh thái đang bước vào thời điểm chuyển dịch về mặt chất lượng. Ngay từ các trung tâm nghiên cứu, đơn vị viện trường, từng giải pháp được công bố ra đều được trông đợi vào tính ứng dụng và khả năng ứng dụng trong sản xuất, tiêu dùng thực tiễn.” - Chị Tuyết nói.
Đối với doanh nghiệp, năm 2023 là thời điểm vàng để tập trung phát triển giá trị cốt lõi. Tư duy cố định (Fixed mindset) sẽ phải nhường chỗ cho tư duy đổi mới sáng tạo mở, tận dụng tối đa được các nguồn lực ngoài xã hội để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và đồng thời cũng tiết kiệm được chi phí đầu tư trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Biến sự liều lĩnh thành “Vững tâm” trong đổi mới sáng tạo
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Giám đốc BambuUP
Riêng đối với các công ty khởi nghiệp, cần phải cảnh giác trước một làn sóng thanh lọc của thị trường. Hệ sinh thái startup của Việt Nam đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết sau những nỗ lực kêu gọi, phát triển tinh thần doanh chủ của nhà nước đối với thanh niên. Số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2023 là 33.905 doanh nghiệp, gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (29.767 doanh nghiệp), nhưng giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, song song với đó, Quý I/2023 cũng là lần đầu tiên thị trường ghi nhận số doanh nghiệp tạm thời & vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
“Nếu startup chậm trễ trong quá trình tự nâng cấp chính mình, đi sâu vào thị trường, vào nền kinh tế để giải quyết những bài toán gốc của nền kinh tế, của xã hội, thì cơ hội tồn tại sẽ ngày càng thấp.”
Hệ sinh thái đang đứng trước một ngưỡng cửa của sự nhìn nhận, nhưng với chị Tuyết, đây là cơ hội để đưa ra lựa chọn tham gia vào công cuộc đổi mới sáng tạo mở, nhìn khác đi, tư duy khác đi, tiến đến những thành tựu mới, tiến đến những giá trị cốt lõi bền vững - và biến nó thành vũ khí hoàn hảo để tồn tại trong một cơn bão hoàn hảo.
Đại diện của xương rồng giữa sa mạc
Đổi mới sáng tạo giờ đây đã được công nhận rộng rãi như một xu thế tất yếu cho sự tồn tại của Doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo mở - ngay sau đó đã tiếp bước để trở thành con đường tối ưu nhất giúp Doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi, thông qua việc mở cửa đồng kiến tạo với các đối tác từ bên ngoài, bao gồm cả công chúng, khách hàng, nhà cung cấp, công ty khởi nghiệp, v.v - bất cứ ai có thể trở thành Innovation Providers (Nguồn cung ý tưởng Đổi mới sáng tạo). Tuy nhiên, trái với rất nhiều số liệu được ghi chép đầy đủ về lợi ích của đổi mới sáng tạo, chúng ta lại thấy thiếu vắng sự quan tâm dành cho vai trò và quyền lợi của phụ nữ trong lĩnh vực này.
Phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo & thúc đẩy khởi nghiệp thường được ưu ái gọi bằng cái tên “bông hồng giữa sa mạc”. Tuy nhiên, với chị Tuyết, “cây xương rồng” sẽ là hình ảnh thú vị hơn.
Những người làm trong ngành đổi mới sáng tạo, đặc biệt là làm công tác hỗ trợ, kết nối đều có sự thích ứng đáng nể, một khả năng linh hoạt, thậm chí là đi đầu so với những cái chủ thể còn lại. Một đơn vị kết nối mà muốn có tạo ra những kết nối có ý nghĩa thì bản thân mình cần phải biết phương pháp, cách thức tiếp cận và hỗ trợ để các bên cùng được tham gia vào xu thế đổi mới sáng tạo mở, đồng hành vượt bão khó khăn.
“Cây xương rồng trong sa mạc là biểu tượng của nội lực, gai góc và khả năng đương đầu với thách thức. Bên cạnh đó, cũng không kém phần mềm mỏng”.
Hình ảnh của cây xương rồng có thể phù hợp với bất kỳ ai đang làm đổi mới sáng tạo. Mỗi nhà lãnh đạo, mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp hãy là một cây xương rồng giữa sa mạc, là một cây tre đứng vững giữa cơn bão, nhờ vào việc củng cố nội lực, củng cố giá trị cốt lõi.
Tinh thần vững tâm: “Dũng cảm không có nghĩa là không sợ gì cả”
Theo quan điểm của chị Tuyết, bản chất của kinh doanh luôn cần phải đổi mới sáng tạo. Những người làm đổi mới sáng tạo luôn có hứng khởi để đi tìm vấn đề, đi tìm hướng tới giải quyết vấn đề đó.
“Đây là quan điểm sống của tôi ở trong cả cuộc sống và công việc. Ở đâu có thách thức, ở đó có cơ hội. Cứ xuất hiện vấn đề là sẽ có giải pháp. Tất cả mọi thứ đều có lời giải của nó.”
Để nói về tinh thần của một “Fearless Innovator”, chị Tuyết chia sẻ: “Không phải là tôi không có nỗi sợ, tôi sợ nhiều chứ. Nhưng với tôi, thành công hay không nằm ở sự chuẩn bị. Công tác chuẩn bị của mình càng tốt thì tỉ lệ thắng càng cao, cũng như có phương án trước rủi ro để hành động.”
“Liều lĩnh đối với tôi không phải là một ngày có thể đi vào rừng một mình để khám phá. Nếu một ngày đẹp trời tôi cứ nhấc balo lên và đi thẳng vào rừng để trải nghiệm với đầy đủ những kiến thức sinh tồn - đó chính là liều lĩnh. Cũng là câu chuyện đó, cũng là trải nghiệm đó, nhưng sự lường trước và chuẩn bị cho rủi ro, cũng như tinh thần đối diện với nó mới là thứ đáng giá.
Tương tự với việc đổi mới sáng tạo. Thay vì nói về việc “sợ hay không sợ” trong đổi mới sáng tạo, điều quan trọng hơn đó là: Bạn sẽ dám bắt đầu đổi mới sáng tạo khi không có sự chuẩn bị, hay là dám đổi mới sáng tạo sau khi đã lường trước mọi rủi ro? Điều này với tôi thú vị hơn nhiều!”
Biến sự liều lĩnh thành “Vững tâm” trong đổi mới sáng tạo
Lời khuyên cho lãnh đạo Doanh nghiệp: Nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng hàm lượng công nghệ và biến trí tuệ thành tài sản
Tùy vào bối cảnh, mong muốn, nhu cầu của mỗi doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp cần đóng vai trò định hướng & quyết định. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp nên tự thanh lọc, cải thiện và nâng cấp mô hình kinh doanh, cũng như các giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đang theo đuổi.
Hơn hết, doanh nghiệp cần trang bị Growth Mindset (tư duy mở) để phát huy toàn bộ nguồn lực. Đổi mới sáng tạo là một quá trình không dễ để đi một mình, tại sao không mở lòng để tăng cường tương tác, kết nối để nhận được hỗ trợ giữa nhiều nguồn lực khác nhau cho chính doanh nghiệp của mình. Doanh nghiệp cũng là một cá thể, cũng cần phải tương tác với bên ngoài, tận dụng các nguồn lực khác nhau.
“Đổi mới sáng tạo mở sẽ làm giảm áp lực lên nội bộ và tăng hiệu quả sáng tạo cái mới của công ty”
Phần đông công chúng hay gắn liền ĐMST cùng với công nghệ. Điều đó không sai và công nghệ chính là nguồn cảm hứng rất lớn để bàn về câu chuyện của người sáng tạo và nó là cái bàn đạp, đòn bẩy để cho doanh nghiệp tiến xa và tiến nhanh. Thế nhưng một mặt khác có thể chưa chắc đã phải cần đến công nghệ thì mới có thể đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo chỉ đơn giản là quá trình không ngừng tạo ra sáng kiến mới giúp nâng cao năng suất hoặc hiệu quả trong kinh doanh và sản xuất. Một phương pháp tiếp cận để giải quyết vấn đề khác đi đã là một cái mới. Không nhất thiết phải gò ép công nghệ vào quá trình đổi mới sáng tạo. Chúng ta có thể đi từng bừng, và đến một giai đoạn nhất định, hãy đưa công nghệ vào để tạo thành một bước nhảy của doanh nghiệp.
Chìa khóa thành công cho Doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, đó là: Gia tăng hàm lượng công nghệ, hàm lượng trí tuệ trong mọi sản phẩm, và song song với đó là biến nó trở thành tài sản. Bằng độc quyền sáng chế hay chứng nhận giải pháp hữu ích là các giá trị vô hình của doanh nghiệp để góp phần tăng cái năng lực cạnh tranh trong một bối cảnh biến động liên tục. Đó chính là vũ khí, là lớp áo giáp bảo vệ về mặt pháp lý, cũng như là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực đổi mới sáng tạo của chúng ta.
Như đã nói ở trên, “liều lĩnh” hay Fearless không phải là cứ làm mà không sợ rủi ro. Mà là khi ta vững bước đi trên mọi hành trình gian khó với đầy đủ những hành trang đáng giá! Khi ấy, “liều lĩnh” sẽ được gọi là VỮNG TÂM.
------------------
“Fearless Innovator” là series do BambuUP thực hiện, nhằm tôn vinh những đóng góp của các nhà lãnh đạo đổi mới sáng tạo - đặc biệt là nữ giới, nhằm hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo Thế giới 21/4 và Ngày Sở hữu Trí tuệ thế giới 26/4.
Thông qua series này, chúng tôi mong muốn truyền tải tinh thần VỮNG TÂM ĐỔI MỚI đến với các nhà lãnh đạo và nhà hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Bên cạnh công tác về tinh thần, chủ doanh nghiệp, startup founders cần trang bị cho mình kiến thức về sở hữu trí tuệ để giúp doanh nghiệp tiến nhanh - tiến chắc - tiến xa trên con đường phát triển của mình.